Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 18/01/2025 05:42 (GMT +7)
Thủ tướng mong muốn Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam
Thứ 5, 01/06/2017 | 11:16:00 [GMT +7] A A
VOV.VN – Phát biểu trước 300 doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ, Thủ tướng mong muốn Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Tối 30/5 theo giờ địa phương, tức sáng 31/5 theo giờ Việt Nam, nhân chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự Tọa đàm với các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ và dự Tiệc chào mừng do Phòng Thương mại Hoa Kỳ (USCC) và Hội đồng Doanh nghiệp Hoa Kỳ – ASEAN (USABC) đồng chủ trì.
Tham dự chương trình có Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer, Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN Alexander C.Feldman, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ Thomas J.Donohue và gần 300 doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ.
Với tổng vốn đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam hiện nay là 10,2 tỉ USD, Thủ tướng nhấn mạnh, nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và việc làm tại Việt Nam. Xuất khẩu của Hoa Kỳ vào Việt Nam tăng 77% trong những năm gần đây.
Trên tinh thần chào đón các nhà đầu tư Hoa Kỳ đến với Việt Nam cũng như thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước, Thủ tướng đã thông tin về tiềm năng và cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam đang là nước có thu nhập trung bình với trên 2.000 USD/người/năm, tính theo giá hiện hành là trên 6.300 USD. Sức mua tăng nhanh với tầng lớp trung lưu trên 10% dân số và tỷ lệ này sẽ nhanh chóng tiến tới 30%.
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đang chủ động hội nhập quốc tế, trọng tâm là kinh tế. Với nền kinh tế mở, quy mô thương mại năm 2016 của Việt Nam là trên 340 tỉ USD, gấp gần 1,6 lần GDP. Hiện có 23.000 dự án đầu tư nước ngoài từ 116 quốc gia, đối tác tại Việt Nam với số vốn trên 300 tỉ USD.
Việt Nam đã tham gia Cộng đồng ASEAN với trên 600 triệu người, GDP 2.500 tỉ USD, là khu vực có quy mô kinh tế lớn thứ 6 thế giới. Việt Nam đã ký kết 12 hiệp định thương mại tự do, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam được cải thiện nhanh chóng và phù hợp các tiêu chuẩn quốc tế. Đây là điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ kinh doanh tại Việt Nam.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, năm 2016, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng 9 bậc so với năm 2015. Chính phủ tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa để môi trường kinh doanh đứng nhóm đầu các nước ASEAN.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục tập trung hoàn thiện nhà nước pháp quyền, xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động vì người dân và doanh nghiệp, tiếp tục cải cách thể chế, pháp luật, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế với mục tiêu tăng GDP bình quân 6,5 – 7%/năm trước hết hết trong giai đoạn 2017-2020 theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”.
Với quy mô dân số đang gần 100 triệu dân, 65% dưới 35 tuổi, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam có lợi thế cung cấp lực lượng lao động dồi dào, có chất lượng, với chi phí cạnh tranh. Trong bối cảnh chính trị, an ninh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp thì Việt Nam luôn có sự ổn định chính trị xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh có hiệu quả.
Việt Nam đặc biệt coi trọng và ưu tiên thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại với Hoa Kỳ. Cộng đồng các doanh nghiệp Hoa Kỳ có vai trò quan trọng và đã có những đóng góp thiết thực vào quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam còn khiêm tốn, xếp thứ 9/116 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Thủ tướng đề nghị: “Chúng tôi khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ đầu tư vào các lĩnh vực Việt Nam ưu tiên và các bạn có thế mạnh như lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng, cơ sở hạ tầng, giáo dục đào tạo, tài chính ngân hàng. Nhân dây Chính phủ Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Hoa Kỳ và thực tế đã có nhiều nhà đầu tư Việt Nam đầu tư vào Hoa kỳ thời gian qua”.
Cho rằng về thương mại hai bên hoàn toàn có khả năng nâng cao kim ngạch hơn nữa, Thủ tướng mong muốn Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Việc thúc đẩy thương mại song phương công bằng sẽ nhằm mục tiêu kép là tăng trưởng và việc làm hai bên cùng có lợi.
“Việt Nam mong muốn Hoa Kỳ tạo điều kiện nhập khẩu hàng dệt may, giầy dép, thủy sản, trái cây, đồ gỗ. Người Việt Nam rất ưa chuộng sản phẩm của Hoa Kỳ có chất lượng như công nghệ cao, máy bay, thiết bị điện, iphone, dược phẩm và các dịch vụ chất lượng của Hoa Kỳ. Đó là cơ sở để các doanh nghiệp hình thành các chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất, kết nối hai thị trường. Ví dụ Hoa Kỳ xuất khẩu bông, sợi sang Việt Nam trên nửa triệu tấn năm 2016, còn Việt Nam sản xuất và xuất khẩu quần áo với giá và chất lượng cạnh tranh cho người tiêu dùng Hoa Kỳ” – Thủ tướng nêu rõ.
Tương tự như vậy, Thủ tướng nêu một ví dụ khác, đối với ngô, đậu tương, năm 2016 Việt Nam nhập khẩu từ Hoa Kỳ 1 triệu tấn để làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu cá tra, tôm sang Hoa Kỳ. Việt Nam nhập khẩu nhiều thiết bị và dịch vụ của Hoa Kỳ. Ngay trong dịp này, các đối tác Việt Nam đã ký hợp đồng gần 15 tỷ USD, chủ yếu là nhập khẩu các thiết bị, dịch vụ từ Hoa Kỳ.
Với những kết quả đã đạt được, Thủ tướng nhấn mạnh, không có bất cứ lý do gì ngăn cản việc thúc đẩy kết nối doanh nghiệp Việt Nam-Hoa Kỳ một cách mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn, và mang lại thành công to lớn hơn cho các doanh nghiệp hai bên thời gian tới./.
Vũ Dũng-Phạm Huân/VOV
Ý kiến ()