Thứ Tư, 15/01/2025 15:56 (GMT +7)

Thủ tướng: “Ngành Ngân hàng cần phấn đấu để giảm mặt bằng lãi suất”

Thứ 5, 05/01/2017 | 00:00:00 [GMT +7] A  A
Đã đăng vào 05/01/2017 lúc 0:00

Sáng 5/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2017. Cùng dự có Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành.

thu tuong nganh ngan hang can phan dau de giam mat bang lai suat hinh 1
Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2017 (Ảnh: Chinhphu.vn)
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, thành công quan trọng của ngành năm qua là kiểm soát được lạm phát và tạo điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay từ 0,5-1%. Tăng trưởng dư nợ tín dụng khoảng 18-20%, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tỷ giá và thị trường ngoại hối diễn biến tương đối ổn định. So với đầu năm, tỷ giá giữa đồng Việt Nam và USD chỉ tăng khoảng 1,1- 1,2%, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ và kịp thời. Nợ xấu cũng được kiểm soát, tính đến hết tháng 11/2016 chỉ còn 2,46%.

Tại hội nghị, một số ngân hàng thương mại Nhà nước đề nghị được tăng vốn để tăng tỷ lệ an toàn vốn CAR, nhất là trong bối cảnh các ngân hàng thương mại nhà nước đang thiếu vốn. Ngân hàng TMCP Ngoại thương đề nghị Chính phủ cho phép các ngân hàng tăng vốn thông qua việc giữ lại lợi nhuận sau thuế để tái đầu tư. Cùng với đó là cần có cơ chế để thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài có năng lực bằng việc tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài từ 30% hiện nay lên 35%.

thu tuong nganh ngan hang can phan dau de giam mat bang lai suat hinh 2
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (Ảnh: chinhphu.vn)
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những đóng góp quan trọng của ngành ngân hàng đối với thành quả kinh tế-xã hội năm qua. Trong đó, chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, kiểm soát tốt lạm phát, giữ mặt bằng lãi suất ổn định và có xu hướng giảm, tỷ giá ổn định, củng cố lòng tin của người dân vào tiền đồng Việt Nam, dự trữ ngoại hối đạt mức 41 tỉ USD. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có sự phản ứng chính sách nhanh nhạy, kịp thời trước những biến động của tình hình thế giới và trong nước, đảm bảo an toàn hệ thống.

Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng, ngành ngân hàng hàng vẫn có những bất cập, tồn tại, đó là quy mô và năng lực hệ thống tín dụng Việt Nam nhỏ so với nhu cầu của nền kinh tế, mức độ an toàn của hệ thống vẫn là vấn đề đáng lo ngại. Mặt bằng lãi suất và nợ xấu còn cao. Việc xử lý các ngân hàng yếu kém còn chậm, nhất là ngân hàng đã được mua lại với giá 0 đồng và ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt.

Ngành ngân hàng cũng vẫn còn tình trạng vi phạm đạo đức kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật của một số tổ chức tín dụng còn thấp. Cùng với đó, rủi ro hoạt động tín dụng vẫn đáng lo ngại do nhiều tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh cho vay đầu tư trung, dài hạn, làm gia tăng chênh lệch kỳ hạn giữa huy động vốn và cho vay. Thủ tướng cũng lưu ý còn tình trạng tín dụng đen ở một số vùng nông thôn.

Về giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, ngành ngân hàng cần bám sát vào mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 đã được Quốc hội thông qua và đi tiên phong để góp phần thực hiện thành công mục tiêu này.

“Ngân hàng Nhà nước trong năm 2017 phải vừa thực hiện tốt các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát đề ra dưới 4%, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải có đột phá trong xử lý các ngân hàng yếu kém và nợ xấu, đồng thời góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%. Đây là các trọng trách Chính phủ giao cho các đồng chí trong năm 2017”, Thủ tướng nêu rõ.

Trong triển khai chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cần chủ động, linh hoạt, thận trọng và sát thị trường hơn; tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn với chính sách tài khóa để vừa hỗ trợ tăng trưởng ở mức cao, vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát. Bên cạnh đó cần duy trì ổn định thị trường ngoại tệ, vàng và tăng dự trữ ngoại hối; giữ ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam. Ngay trong quý I năm nay cần tăng trưởng tín dụng để không rơi vào tình trạng đầu năm thong thả, cuối năm vất vả chạy dồn.

Trong cơ cấu tín dụng, Thủ tướng lưu ý cần đẩy mạnh cho vay những ngành, lĩnh vực góp phần cho tăng trưởng, giải quyết việc làm, doanh nghiệp vừa và nhỏ, du lịch, cho vay khởi nghiệp… Các ngân hàng cũng nên có gói cho vay nông nghiệp công nghệ cao. Cùng với đó cần lưu ý rủi ro trong cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán, khách hàng có dư nợ lớn trên 5.000 tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước cần hướng tới việc xây dựng cơ chế minh bạch hóa lãi suất để tránh việc doanh nghiệp và người dân khi vay, khi gửi tiền không biết thực tế lãi suất áp dụng thế nào. Năm 2017, tiếp tục điều hành theo hướng giảm lãi suất cho vay.

Thủ tướng đề nghị: “Ngành ngân hàng phải phấn đấu quyết liệt tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, giảm chi phí vay vốn cho doanh nghiệp. Đồng thời mặt bằng lãi suất giảm góp phần tiết giảm chi phí vay vốn qua phát hành trái phiếu của Chính phủ huy động vốn cho ngân sách Nhà nước. Tôi chưa thể nói rõ là giảm ngay bao nhiêu phần trăm, nhưng xu hướng giảm là điều cần tính toán. Nhất là các “anh cả đỏ” lãi 5-7 nghìn tỷ thì phải làm gương các các ngân hàng khác”.

Đối với xử lý nợ xấu, Thủ tướng chỉ đạo việc xử lý nợ xấu phải gắn với triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, phòng ngừa nợ xấu gia tăng. Hệ thống thanh tra giám sát không được để tình trạng đã vào thanh tra giám sát, đã kiểm soát đặc biệt mà vẫn rút tiền khống, cho vay sai quy định, vẫn để nợ xấu gia tăng như một số trường hợp vừa qua.

Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường an ninh mạng và bảo đảm an toàn tài sản cho khách hàng; không để tình trạng khách hàng bị mất tiền đột ngột trong tài khoản. Có chính sách đột phá giảm thanh toán tiền mặt, trước hết là thanh toán giữa các doanh nghiệp trong nền kinh tế để chống trốn thuế, minh bạch tài sản, chống tham nhũng, rửa tiền.

Năm 2017, Ngân hàng Nhà nước phải phấn đấu cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Đây cũng là biện pháp thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ.

Nêu đặc điểm riêng của ngành ngân hàng là niềm tin, bản thân từ “tín dụng” nói lên điều đó, Thủ tướng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần quan tâm nhiều hơn đến công tác truyền thông, coi đây là nhiệm vụ quan trọng. Khi đã xây dựng được niềm tin thì việc điều hành sẽ thuận lợi hơn.

Về các kiến nghị của các ngân hàng thương mại, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu xử lý, những cơ chế nào vượt thẩm quyền thì trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định./.

Vũ Dũng/VOV

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu