Sáng 6/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hà Nam – địa phương đang nỗ lực phấn đấu trở thành đô thị vệ tinh phía Nam Thủ đô Hà Nội.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng đề nghị Hà Nam đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, thúc đẩy hơn nữa việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, không ngừng cải thiện đời sống người dân.
Thế mạnh và cũng là đặc thù của Hà Nam là vị trí địa lý hết sức thuận lợi, liền kề cửa ngõ phía Nam Thủ đô, thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, nằm trên huyết mạch giao thông Bắc-Nam với hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy thuận tiện cùng với cầu Yên Lệnh nối đôi bờ sông Hồng. Vị trí địa lý tạo cho Hà Nam lợi thế mở rộng giao lưu hợp tác với các tỉnh Đông Bắc và ra cảng biển Hải Phòng.
Với quỹ đất nông nghiệp dồi dào, nguồn khoáng sản tương đối đa dạng, đồng thời cũng là vùng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch thắng cảnh và du lịch sinh thái, Hà Nam đặt trọng tâm đổi mới định hướng đầu tư và mô hình tăng trưởng. Tỉnh chủ trương mở rộng liên kết, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, khai thác tối đa mọi tiềm năng, lợi thế để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Hà Nam đặt chỉ tiêu tăng trưởng chỉ số thu nhập bình quân đầu người từ mức 42,1 triệu đồng/người như năm 2015 lên mức 80,9 triệu đồng/người vào năm 2020.
Trong bối cảnh rất nhiều khó khăn của tình hình kinh tế xã hội trong nước, song nửa đầu năm 2016, nhiều chỉ tiêu tăng trưởng của Hà Nam đều tăng cao hơn cùng kỳ năm ngoái, như sản xuất công nghiệp tăng gần 16%, thu ngân sách tăng 29%, thu hút vốn đầu tư đạt kết quả tốt với 41 dự án.
Để phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực, lãnh đạo tỉnh Hà Nam đề nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ có cơ chế tạo nguồn lực để các trường Đại học thuộc diện quy hoạch di dời ở Thủ đô Hà Nội và các Bệnh viện tuyến Trung ương về đầu tư tại Khu Đại học Nam Cao và Khu Trung tâm y tế chất lượng cao Hà Nam.
Tỉnh cũng đề nghị Chính phủ và Thủ tướng hỗ trợ tỉnh kêu gọi các dự án đầu tư vào lĩnh vực chế biến, chế tạo và công nghệ cao. Cho phép tỉnh quy hoạch đầu tư hạ tầng một số khu đô thị; bổ sung và tạo điều kiện để tỉnh tiếp cận một số nguồn vốn trái phiếu, vốn ngân sách và vốn ODA.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Hà Nam là một trong những tỉnh có mức tăng trưởng cao nhất khu Đồng bằng sông Hồng về nhiều mặt, kinh tế xã hội và nhất là thu hút đầu tư.
Thủ tướng đề nghị Hà Nam cần khai thác tốt hơn nữa thế mạnh là vùng kinh tế cửa ngõ Thủ đô, điều kiện hết sức thuận lợi cho phát triển. Khẳng định tình đoàn kết, tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm là những giá trị cốt lõi, điều kiện quan trọng để đưa Hà Nam ngày một phát triển, Thủ tướng mong muốn lãnh đạo tỉnh giữ gìn và phát huy tốt ưu điểm đã đạt được; xây dựng chủ trương, định hướng cũng như các giải pháp phát triển kinh tế xã hội phù hợp với đặc thù địa phương. Bên cạnh đó, đảm bảo tốt nhiệm vụ giữ vững an ninh, chính trị, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn.
Lưu ý lãnh đạo tỉnh phải coi trọng và chủ động rà soát, hoàn thiện công tác quy hoạch, Thủ tướng cũng yêu cầu Hà Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; không ngừng xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức và đặc biệt là nâng cao hiệu quả đào tạo, hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Trong quá trình phát triển bền vững phải đi đôi với bảo vệ môi trường, Thủ tướng gợi ý Hà Nam tăng cường đầu tư thúc đẩy dịch vụ du lịch để gìn giữ, tôn tạo môi trường sinh thái; ứng dụng mạnh mẽ hơn tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; coi đây là hướng ra quan trọng của nền nông nghiệp tỉnh.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã xem xét, góp ý và giải quyết một số kiến nghị của tỉnh Hà Nam liên quan đến những công trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Trước buổi làm việc, Thủ tướng đã tới thăm Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Công ty An Phú Hưng đầu tư sản xuất – mô hình sản xuất chịu thiệt hại nặng nề từ cơn bão số 1 vừa qua trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Đây là một trong những mô hình nông nghiệp công nghệ cao tiêu biểu, hiệu quả cao trên địa bàn với diện tích khu vực dự án khoảng hơn 20ha.
Cơ sở này chuyên trồng rau, củ hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản, được thực hiện tại xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý từ tháng 7/2014. Đến nay, nhiều loại rau, củ của mô hình đã cho thu hoạch và được các chuyên gia Nhật Bản đánh giá cao về chất lượng, đảm bảo yêu cầu xuất khẩu, mở ra triển vọng mới cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hà Nam.
Tuy nhiên, sau cơn bão số 1, toàn bộ các công trình phục vụ cho sản xuất tại dự án trồng rau trên của Công ty An Phú Hưng đã bị sập, tốc mái với diện tích khoảng 900m2. Hơn 120m tường rào của dự án bị kéo đổ và đặc biệt là toàn bộ cây trồng trên diện tích 21,59ha bị đổ và dập nát./.
Ý kiến ()