Thứ Hai, 13/01/2025 14:45 (GMT +7)

Thủ tướng: Tái cơ cấu ngay bộ máy cồng kềnh của Bộ Công thương

Thứ 4, 13/07/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Chiều nay (12/7), tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 của Bộ Công thương. Để phục vụ doanh nghiệp và người dân tốt hơn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, Thủ tướng yêu cầu ngành công thương phải tái cơ cấu ngay trong bộ máy của mình.

6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 7,5%, là mức tăng khá thấp so với cùng kỳ năm trước. Tình hình tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục duy trì xu hướng tăng, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với cùng kỳ, do nhu cầu tiêu dùng trong nước chưa hồi phục, mặt khác do ảnh hưởng từ thị trường tiêu thụ thế giới tăng thấp.

thu tuong: tai co cau ngay bo may cong kenh cua bo cong thuong hinh 0
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành công thương tái cơ cấu ngay bộ máy cồng kềnh hiện nay.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong bối cảnh khó khăn chung của tình hình kinh tế thế giới, giá dầu giảm sâu, cùng với những khó khăn nội tại của nền kinh tế như hạn hán ở miền Trung – Tây Nguyên, mặn xâm nhập ở Đồng bằng Sông Cửu Long, sự cố môi trường biển ở miền Trung, những thành tích của ngành Công thương là rất đáng ghi nhận. Thủ tướng đánh giá cao kết quả hoạt động kích cầu, thúc đẩy xuất khẩu của ngành Công thương trong bối cảnh xuất khẩu toàn cầu giảm.

Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính được triển khai mạnh mẽ. Công tác hợp tác quốc tế, hoàn thiện thể chế được ngành triển khai tốt. Một số doanh nghiệp của ngành đã phát huy được vai trò đầu tàu trong các lĩnh vực trọng yếu như an ninh năng lượng, an ninh lương thực quốc gia.

Tuy nhiên, việc sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước của ngành còn chậm, tỷ trọng vốn được cổ phần hóa thấp. Bên cạnh đó, công tác cán bộ còn một số bất cập, tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng đến uy tín của ngành. Công tác thông tin truyền thông, nhận thức của một bộ phận doanh nghiệp và công chức chưa đầy đủ, chưa phù hợp với hội nhập, việc tổ chức thị trường trong nước chưa tốt.

Bên cạnh đó, công tác tổ chức không gian công nghiệp chưa thể hiện rõ được thế mạnh vùng cũng như liên kết vùng. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, do Bộ Công thương xây dựng chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, chưa theo kịp với thế giới. Hệ thống thương vụ ở nước ngoài hoạt động không đều.

“Tái cơ cấu bộ máy cồng kềnh dẫn đến kỷ cương buông lỏng và tính tương tác và hiệu quẩ thấp của bộ máy Bộ Công thương. Bộ Công thương có đến 30 vụ, cục, khoảng 10 viện trực thuộc chưa kể các viện thuộc các tập đoàn, 10 trường đại học, 22 trường cao đẳng, 11 Tập đoàn Tổng công ty, hàng vạn người. Do đó phải cơ cấu ngay bộ máy này để phục vụ cho sản xuất và phát triển, kể cả sản xuất và xuất nhập khẩu, hội nhập quốc tế” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Thách thức mà Thủ tướng chỉ ra đối với ngành công thương thời gian tới là thể chế, cơ chế quản lý còn chưa theo kịp thực tiễn; cơ chế quản lý cạnh tranh, chống độc quyền còn hạn chế. Chiến lược phát triển của ngành chưa hiệu quả, chưa tạo động lực cần thiết để khu vực tham gia. Bên cạnh đó, sự kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI yếu, chưa thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng lưu ý ngành công thương cần thay đổi cơ chế quản lý Nhà nước, tập trung nhiệm vụ tổ chức thị trường đảm bảo minh bạch, chống độc quyền. Một lần nữa Thủ tướng lưu ý, việc gì thị trường làm tốt hơn thì để thị trường tự vận động, ngành công thương cần phải có sự dịch chuyển nhanh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Phải huy động được khu vực tư nhân tham gia chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để đạt mục tiêu đó, Thủ tướng lưu ý ngành công thương cần làm việc với tinh thần phục vụ doanh nghiệp.

Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là tiến tới chấm dứt cơ chế xin cho, kiên quyết loại bỏ các doanh nghiệp Nhà nước yếu kém, thua lỗ. Muốn vậy, ngành công thương cần có tư duy mới, gắn với thị trường. Các chính sách phải khuyến khích thu hút đầu tư, phù hợp với thị trường. Đồng thời phải tăng cường minh bạch và trách nhiệm thực thi, chống lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm.

Về những việc cần triển khai ngay 6 tháng cuối năm, Thủ tướng chỉ đạo ngành công thương cần tập trung xây dựng chính sách, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân, tận dụng được cơ hội do hội nhập mang lại. Cùng với đó thúc đẩy các ngành công nghiệp dịch vụ mạnh hơn, trong đó có công nghiệp khai khoáng. Thủ tướng cũng lưu ý các ngành hàng, tập đoàn, tổng công ty và cả các doanh nghiệp tư nhân, trong bối cảnh hiện nay phải tập trung sản xuất, coi đó là giải pháp quan trọng để góp phần tăng trưởng.

Để góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Công thương thực hiện các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, quyết tâm đưa tăng trưởng xuất khẩu vượt 10%; tăng cường vai trò chuỗi bán lẻ, tiếp tục phát huy hiệu quả của cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Muốn vậy, Thủ tướng yêu cầu ngành cần đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung tái cơ cấu, trong đó có tái cơ cấu ngay bộ máy tổ chức của Bộ Công thương để phục vụ người dân và doanh nghiệp hiệu quả hơn: “Bộ Công thương phải đi đầu trong cải cách hành chính, tạo môi trường trong đầu tư kinh doanh, thực hiện Nghị quyết 19 của Chỉnh phủ, đặc biệt là Nghị quyết 35 của Chính phủ mới ban hành gần đây, để tạo ra sức sống mới cho toàn quốc về sản xuất công thương và xuất nhập khẩu. Cái gì ràng buộc phát triển chúng ta phải tháo gỡ để tạo điều kiện phát triển. Các đồng chí phải đẩy mạnh tái cơ cấu, cổ phần hóa Doanh nghiệp Nhà nước thuộc bộ, đảm bảo công khai, minh bạch, không bị thất thoát vốn. Trong đó có Bia Sài Gòn, Bia Hà Nội, Vinamilk… phải cổ phần hóa công khai, minh bạch, có lợi nhất cho Nhà nước và sản xuất phát triển”.

Thủ tướng cũng yêu cầu ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp, nâng cao cạnh tranh từng ngành, lĩnh vực, sản phẩm, nỗ lực cao nhất để đạt các chỉ tiêu bằng hoặc cao hơn mục tiêu đề ra, góp phần vào tăng trưởng của cả nước. Trong đó, xuất khẩu năm nay phải bằng hoặc cao hơn so với năm 2015. Để hỗ trợ sản xuất trong nước, Thủ tướng cũng lưu ý ngành công thương cần tăng cường quản lý thị trường, có biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp không trái với quy định quốc tế./.

 

Vũ Dũng/VOV

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu