Theo báo cáo của tỉnh, với mức tăng trưởng kinh tế hơn 8% trong nửa đầu năm nay, Thái Bình có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao so với các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Thu ngân sách đạt 85% dự toán năm.
Tỉnh cũng là điểm sáng thực hiện nông thôn mới khi hơn 62% số xã và 1 huyện là huyện Hưng Hà đạt chuẩn nông thôn mới. Phấn đấu hết năm nay, Thái Bình có 200 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉnh cũng đã đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Tuy nhiên, sau cơn bão số 1 cuối tháng 7 vừa qua, Thái Bình là tỉnh chịu thiệt hại lớn. Ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 2.500 tỷ đồng, trong đó, mưa lũ làm ngập úng, tàn phá hàng chục nghìn ha lúa và rau màu, cây ăn quả.
Ngoài nhiệm vụ trước mắt là khắc phục hậu quả lụt bão, tỉnh xác định nhiệm vụ quan trọng là đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, khuyến khích tích tụ ruộng đất, ứng dụng khoa học công nghệ để hướng tới nền nông nghiệp công nghệ cao.
Tỉnh kiến nghị Chính phủ trước hết hỗ trợ kinh phí để khắc phục hậu quả lụt bão, tập trung vào phục hồi các loại cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ tiền điện, dầu bơm tiêu nước ngập úng; khắc phục các đê, kè bị sạt lở; giãn nợ vay vốn ngân hàng hoặc miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng do bão.
Về nhiệm vụ lâu dài, tỉnh kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt cho phép tỉnh triển khai xây dựng một số tuyến đường bộ trọng yếu, như tuyến đường dài hơn 44 km trên địa bàn tỉnh, nằm trong tuyến đường bộ tổng thể từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa; tuyến đường nối hai tỉnh Thái Bình và Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình và một số dự án khác.
Với công trình nền móng của Hành cung Lỗ Giang (Thời Trần) được phát hiện từ năm 2013, tỉnh đề nghị Chính phủ cho phép = phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục khai quật và có giải pháp bảo tồn di tích này.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Thái Bình là tỉnh giàu truyền thống cách mạng, người dân Thái Bình thông minh, năng động, cần cù. Những truyền thống quý báu đó đã được phát huy trong phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Thủ tướng đánh giá cao tỉnh có chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão số 1 vừa qua. Thủ tướng cũng đồng ý về đề xuất của tỉnh giãn nợ vay, miễn giảm thuế cho doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề do bão, và giao Văn Phòng Chính phủ nghiên cứu đưa ra giải pháp cụ thể trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu tỉnh trên cơ sở hỗ trợ của Chính phủ cho Thái Bình về giống một số loại cây trồng, phân bổ, hỗ trợ kịp thời cho nông dân, không để người dân nghèo đi vì bão số 1 và không để đất trống.
Theo Thủ tướng, thu ngân sách của tỉnh đạt trên 85% dự toán, khối lượng thực hiện giải ngân vốn Nhà nước đạt trên 76% kế hoạch, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ thu ngân sách cả nước chỉ hơn 40%, trong khi Thái Bình đạt 85%. Đây là những con số đáng biểu dương của Thái Bình.
Thủ tướng cũng đánh giá cao Thái Bình đã tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp mạnh mẽ, trong đó khuyến khích tích tụ ruộng đất; hoan nghênh tỉnh đến cuối năm nay, phấn đấu 100% người dân Thái Bình được sử dung nước sạch.
Tuy vậy, Thủ tướng chỉ ra tỉnh chưa có tính đột phá lớn. Hiện độc canh cây lúa chiếm chủ yếu, nên cần vừa giữ đất lúa, vừa cần đa dạng cơ cấu cây trồng vật nuôi để tạo giá trị gia tăng cao. Cùng với đó, tiếp tục vận động nhân dân tích tụ ruộng đất, mở ra những cánh đồng mẫu lớn. Tỉnh cũng chưa tổ chức sản xuất mạnh mẽ, doanh nghiệp và các HTX tham gia trong lĩnh vực nông nghiệp còn mỏng. Thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài còn thấp. Hiện nguồn thu ngân sách cũng mới chỉ đảm bảo được 40% chi, vẫn cần trợ cấp từ Trung ương, nên cần phấn đấu để giảm phụ thuộc vào ngân sách.
Định hướng thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tỉnh có giải pháp tạo giá trị gia tăng lớn trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp. “Phải đưa nông nghiệp Thái Bình từ nay đến năm 2020, giá trị trên 1ha đất nông nghiệp phải đạt được giá trị 400 – 500 triệu đồng. Đây là yêu cầu phải chú ý phấn đấu quyết liệt mới thành công. Chính vì vậy phải đưa mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp, HTX vào nông thôn. Trong 5 năm tới, 4.200 doanh nghiệp có thể nhân gấp ba lần chứ không phải nhân gấp đôi. Phải cùng chung tay mới có thể thực hiện được mục tiêu này”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu bộ máy hành chính từ tỉnh đến xã phải tinh gọn, chất lượng, sát sao với nhân dân. Trong công việc thì minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần chỉ đạo khai thác tiềm năng thế mạnh của Thái Bình như than, kinh tế biển và các thế mạnh khác. Đặc biệt, tiềm lực lớn của Thái Bình là con người, cần huy động nhân tài của tỉnh để đóng góp cho quê hương.
Thủ tướng cũng lưu ý tỉnh phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, vấn đề xúc tiến thương mại, đồng hành cùng doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp cần được triển khai mạnh mẽ. Tiếp tục quan tâm công tác an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo, trong đó có giải pháp giải quyết dứt điểm nhà ở cho người nghèo. Cùng với đó bảo đảm an ninh chính trị, an toàn xã hội, an toàn giao thông, trong đó có vấn đề giao thông thủy. Chú trọng quy hoạch, phát triển mạnh mẽ đô thị, đặc biệt là quy hoạch nông thôn mới, nâng tỷ lệ đô thị cao hơn nữa.
Thủ tướng cũng chấp thuận về chủ trương một số đề xuất của tỉnh Thái Bình liên quan đến các dự án giao thông, và giao các Bộ, ngành phối hợp với tỉnh tìm giải pháp về nguồn vốn và lộ trình thực hiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Trong khuôn khổ buổi làm việc, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và tỉnh Thái Bình đã ký cam kết tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp.
Thủ tướng cùng đoàn công tác dâng hoa, thắp hương tưởng niệm các liệt sỹ tại Đền thờ Liệt sỹ tỉnh Thái Bình. |
Trước đó, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Thái Bình, sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Chính phủ đã dâng hoa, thắp hương tại Đền thờ Liệt sỹ tại tỉnh Thái Bình, trồng cây lưu niệm tại Quảng trường tượng đài Bác Hồ./.
Ý kiến ()