Thứ Năm, 16/01/2025 06:49 (GMT +7)

Thúc đẩy cơ giới hóa khâu gieo cấy trong sản xuất lúa

Thứ 6, 20/11/2020 | 10:34:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN – Ứng dụng mạ khay, máy cấy lúa tiết kiệm chi phí và tăng năng suất so với gieo cấy truyền thống.

Giải pháp để thúc đẩy ứng dụng mạ khay, máy cấy trong sản xuất lúa là chủ đề “Diễn đàn khuyến nông và nông nghiệp” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức sáng nay (19/11) tại thành phố Đà Nẵng. Nhiều ý kiến tại Diễn đàn này cho rằng, ứng dụng mạ khay và máy cấy trong sản xuất lúa tiết kiệm thời gian, ngày công, chi phí và năng suất cao so với gieo cấy truyền thống.

Hiện nay, mức độ áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa ở nước ta đạt mức cao. Theo Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT, việc ứng dụng cơ giới hóa vào khâu gieo sạ, cấy lúa mới đạt khoảng 30%, trong đó vùng ĐBSCL đạt 65%.

Ứng dụng mạ khay và cấy máy lúa, năng suất lao động tăng từ 5 – 7 lần, nhưng giảm từ 30% – 50% lượng hạt giống so với tập quán cấy tay và sạ lan truyền thống. Cấy máy có mật độ gieo thưa, dễ chăm sóc, ruộng thông thoáng, lúa sinh trưởng phát triển tốt, cứng cây, ít bị đổ ngã, dễ kiểm soát cỏ dại và sâu bệnh; giảm sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch thuận lợi hơn.

Các đại biểu xem hướng dẫn sử dụng máy cấy lúa

Mạ gieo trong khay từ 10 – 13 ngày rút ngắn thời gian lúa đứng trên đồng, hạn chế rủi ro thiên tai như ngập lụt, hạn hán, rét hại, dịch bệnh. Năng suất cao hơn từ 500 – 800kg/ha, giảm chi phí như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tăng thu nhập từ 4 – 4,5 triệu đồng/ha. Nhiều ý cho rằng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để người nông dân mua máy.

Ông Nguyễn Ba, Giám đốc HTX nông nghiệp An Lỗ, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế nêu ý kiến, sử dụng máy gieo mạ khay hiệu quả là công lao động giảm, giá trị công làm thấp hơn, lúa không có sâu bệnh. “Khó khăn của việc cấy máy ở chỗ đồng ruộng còn manh mún, nên phải dồn điền đổi thửa. Nhà nước cần có hỗ trợ kinh phí cho nông dân mua máy, bởi hiện nay giá tiền mua máy 350 triệu đồng là rất cao”.

Bên cạnh những mặt tích cực, việc ứng dụng mạ khay và máy cấy vào sản xuất nông nghiệp đang gặp khó khăn. Hiện nay, đồng ruộng ở nước ta còn nhỏ lẻ, diện tích ô thửa nhỏ, địa hình không bằng phẳng, rất khó đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Trong khi đó, chi phí đầu tư máy cấy lúa còn cao, thời gian sử dụng máy không nhiều, chậm thu hồi vốn. Mặt khác, sản xuất mạ khay đòi hỏi kỹ thuật cao, nông dân chưa được hướng dẫn, phổ biến rộng rãi.

Theo ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, để thúc đẩy cơ giới hóa khâu gieo cấy trong sản xuất, cần khuyến khích phát triển hợp tác, hình thành các tổ chức dịch vụ cơ giới đồng bộ. Các địa phương cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, quy hoạch cải tạo san phẳng đồng ruộng.

“Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, Nghị định 68 sắp được sửa nên có chế chính sách sẽ thông thoáng hơn, đẩy nhanh việc cơ giới hóa trong nông nghiệp. Vấn đề này cũng đã được thảo luận với doanh nghiệp – nơi cung cấp máy cấy có chính sách hậu mãi tốt hơn, bán trả chậm, chuyển giao kỹ thuật cho bà con sử dụng hiệu quả cao nhất. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng chỉ đạo các Trung tâm Khuyến nông các địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền để bà con nhận thức được khi dùng mạ khay máy cấy có lợi ích xã hội và môi trường”, ông Tiêu cho biết./.

Đình Thiệu/VOV-Miền Trung
https://vov.vn/kinh-te/thuc-day-co-gioi-hoa-khau-gieo-cay-trong-san-xuat-lua-818649.vov

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu