Thứ Năm, 23/01/2025 16:46 (GMT +7)

Thuế nhôm, thép của Mỹ – ‘Điểm nóng’ của Hội nghị G7

Thứ 6, 01/06/2018 | 16:02:00 [GMT +7] A  A

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) diễn ra trong ba ngày (từ 31/5 đến 2/6) tại thành phố Whistler của tỉnh British Columbia, Canada, nhằm chuẩn bị một số nội dung cho Hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ diễn 1 tuần nữa.

Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz (giữa) và Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso (phải) tới dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G7 tại Canada ngày 31/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Mặc dù chủ đề thảo luận chính là “Đầu tư vào tăng trưởng, việc làm cho tất cả mọi người”, nhưng quyết định về thuế của Mỹ sẽ là một trong những trọng tâm của Hội nghị này.

Bộ trưởng Tài chính Canada Bill Morneau phát biểu khai mạc Hội nghị, cho biết cuộc họp của các quan chức Tài chính và Ngân hàng của 7 nước lần này sẽ tập trung vào vấn đề thương mại sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt thuế nhập khẩu thép và nhôm với các đồng minh của Mỹ. Ông Morneau cũng bày tỏ hy vọng các nhà lãnh đạo G7 sẽ gây áp lực lên Mỹ với mong muốn Chính quyền Tổng thống Trump sẽ xem xét lại quyết định của mình. Những nỗ lực của các nhà lãnh đạo G7 sẽ tiếp tục được thể hiện tại Hội nghị thượng đỉnh G7 vào tuần tới tại Quebec.

Bộ trưởng Morneau cho biết trong cuộc gặp trực tiếp với người đồng cấp Mỹ Steven Mnuchin tại các cuộc họp kín Bộ trưởng G7 trong tuần này, ông sẽ thể hiện sự phản đối mạnh mẽ của Canada đối với chính sách thuế quan mới của Mỹ.

Quyết định về thuế quan mới của Mỹ được đưa ra ngay trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Ngân hàng G7, khiến Hội nghị trở nên căng thẳng. Thông báo của Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross ngay lập tức dẫn tới động thái trả đũa của Mexico, Canada và cùng đe dọa đáp trả từ Liên minh châu Âu (EU).

Canada tuyên bố áp thuế trị giá 12,8 triệu USD với hàng hóa của Mỹ, bao gồm các mặt hàng thịt bò, cà phê, bánh kẹo cũng như cả thép và nhôm. Thủ tướng Canada Justin Trudeau chỉ trích việc Mỹ áp thuế là “hoàn toàn không thể chấp nhận được” và “là điều đáng hổ thẹn cho mối quan hệ đối tác an ninh lâu dài giữa Canada và Mỹ”. Ông Justin Trudeau tuyên bố sẽ đưa vấn đề ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Mexico cũng tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp trả đũa với nhiều loại hàng hóa của Mỹ, gồm thép và một loạt các mặt hàng nông phẩm, trong đó có thịt lợn, táo và các loại phô mai khác nhau. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu ( EC) Jean-Claude Juncker cho biết EU sẽ công bố các biện pháp đáp trả tương xứng trong thời gian tới. Trước đó, Brussels đã đe dọa sẽ áp thuế quan với các sản phẩm của Mỹ bao gồm rượu, xe mô tô và đồ jeans, cũng như các sản phẩm khác.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) Mark Carney cũng bày tỏ mối lo ngại của mình và cho biết sẽ có mặt trong chương trình nghị sự các bộ trưởng tài chính và ngân hàng trung ương trong tuần này để thảo luận về vấn đề này. Lãnh đạo Pháp lấy làm tiếc về động thái của Mỹ và gọi đây là hành động “bất hợp pháp”.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde bày tỏ thất vọng trước quyết định của Mỹ áp đặt mức thuế trừng phạt các nước đồng minh, đồng thời cảnh báo các quan chức của G7 về sự xói mòn niềm tin trong bối cảnh xung đột thương mại. Bà cho biết, động thái này sẽ “bóp méo, phá hủy và làm gián đoạn các chuỗi cung ứng đã được thiết lập trong nhiều thập kỷ”.

Bà Lagarde lưu ý rằng các biện pháp bảo hộ làm cho hàng hóa cơ bản đắt hơn, tạo ra một tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến người tiêu dùng và doanh nghiệp. Bà Lagarde cảnh báo rằng nếu tự do thương mại bị phá vỡ, những người sẽ chịu tác động tiêu cực nhiều nhất là người nghèo.

Đáp trả phản ứng của các đồng minh, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Ross cho biết, các cuộc đàm phán với EU không thuyết phục được Washington nên sẽ áp thuế với khối này. Washington cũng tước quyền miễn trừ với Mexico và Canada vì các cuộc tái đàm phán sửa đổi NAFTA “mất nhiều thời gian nhưng không có chính xác thời điểm kết thúc”.

Việc áp thuế của Mỹ có hiệu lực lúc 0h ngày 1/6. Nhà Trắng cho biết việc áp thuế 25% với thép và 10% với nhôm vốn có hiệu lực từ tháng Ba, đã có “tác động lớn, tích cực với người lao động và việc làm trong lĩnh vực thép và nhôm” của nước này.
Theo Giang Nguyễn (P/v TTXVN tại Ottawa)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu