Thứ Năm, 23/01/2025 20:31 (GMT +7)

‘Thuốc’ nào cứu Tân Sơn Nhất khỏi quá tải?

Thứ 6, 19/04/2019 | 10:45:00 [GMT +7] A  A

Tân Sơn Nhất quá tải là chuyện được cơ quan chức năng hàng không Việt Nam khẳng định là “không cần bàn cãi” và nhiều giải pháp đang được đưa ra để giải cứu sân bay này.

Cơ quan chức năng hàng không khẳng định tốc độ phát triển nhanh của ngành hoàn toàn nằm trong tính toán, tuy nhiên Tân Sơn Nhất quá tải là điều không thể phủ nhận.

Vào đầu tháng 3/2019, đại diện Cục Hàng không cho hay Việt Nam đang khai thác 22 sân bay, gồm 9 sân bay quốc tế và 13 sân bay nội địa. Tổng công suất hệ thống sân bay đạt 90,4 triệu lượt hành khách, nhưng sản lượng hành khách thông quan năm 2018 đạt 103,4 triệu lượt.

Sức ép lên Tân Sơn Nhất

Nếu chỉ nhìn vào con số thống kê trên, có thể thấy các sân bay Việt Nam đang quá tải nhẹ. Tuy nhiên lượt hành khách trên lại không đồng đều và “cổ chai” của hàng không Việt đang nằm ở sân bay Tân Sơn Nhất.

‘Thuốc’ nào cứu Tân Sơn Nhất khỏi quá tải?

Trong khi các sân bay cấp 2 và 3 trong mạng bay Việt Nam còn đang hoạt động phù hợp công suất thì gánh nặng lại đang đè lên các sân bay Đà Nẵng, Nội Bài và đặc biệt là Tân Sơn Nhất.

Sân bay lớn nhất của Việt Nam có công suất thiết kế hiện tại là 28 triệu lượt hành khách/năm nhưng năm 2018 đã tiếp đón hơn 38,3 triệu lượt hành khách. Việc phải gồng mình gánh khoảng 37% lưu lượng hàng không mỗi năm của Việt Nam khiến Tân Sơn Nhất quá tải dường như là điều dễ nhận thấy và dễ hiểu.

Không chỉ quá tải ở mặt đất, Tân Sơn Nhất cũng đang phải gánh 800-900 lượt cất hạ cánh mỗi ngày, gần bằng công suất cất hạ cánh tối đa.

Chia sẻ tại một hội thảo về hàng không, ông Đỗ Đức Tú, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định: “Cụ thể nhất minh chứng cho sự phát triển nóng của hàng không là ở Tân Sơn Nhất. Sân bay này quá tải không chỉ ở giao thông kết nối, nhà ga, sân đỗ mà ngay cả đường cất hạ cánh cũng quá tải. Có lần tôi đi TP.HCM, ngồi trên máy bay vô cùng sốt ruột khi phải bay vòng cả tiếng trên trời để chờ hạ cánh”.

Cũng tại hội thảo này, các chuyên gia hàng không đã bàn luận về các phương án để “cứu” Tân Sơn Nhất, trong đó tập trung vào hai giải pháp chính.

Giải pháp đầu tiên được các chuyên gia đồng tình là cần mở rộng quy mô của sân bay. Đây là giải pháp hiển nhiên, tuy nhiên câu chuyện được bàn luận sôi nổi là về đơn vị thi công và nguồn vốn.

Nhiều chuyên gia cho rằng nếu được tạo điều kiện, khối tư nhân có thể làm rất tốt việc đầu tư hạ tầng, kể cả trong lĩnh vực đặc thù như hàng không. Đồng tình với quan điểm này, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), vẫn cho rằng nên đảm bảo hài hoà lợi ích các bên.

Không đồng bộ, xây xong T3 cũng không giải quyết vấn đề gì

Ông Thanh cũng khẳng định nếu kêu gọi đầu tư, nên để nhà đầu tư làm toàn bộ các hạng mục bởi nếu chỉ làm nhà chờ hay chỉ làm đường bay, sẽ có sự không đồng đều về lợi ích cũng như công năng, từ đó khiến dự án trở nên kém hiệu quả hoặc kém hấp dẫn.

“Hiện nay nói giải quyết tắc nghẽn Tân Sơn Nhất mới chỉ nói đến nhà ga T3, nhưng thực tế là phải đồng bộ. Tôi nhiều lần nói, nếu không đồng bộ đầu tư khu bay, xây xong T3 cũng không giải quyết vấn đề gì. Khu bay khi đó sẽ trở thành điểm tắc nghẽn. Do đó, giải cứu Tân Sơn Nhất, ngoài nhà ga T3, cần đầu tư đồng bộ cả đường lăn, sân đỗ và đường băng”, ông Thanh nhận định.

Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đang quá tải với 38,5 triệu lượt hành khách năm 2018. Ảnh: Lê Quân

Một giải pháp nữa được các hãng bay như Bamboo Airways và Vietjet Air đề xuất là mô hình bay nối trực tiếp các điểm thay vì bay theo mô hình trục-nan, vốn đang gây áp lực lên hai đầu trục là Tân Sơn Nhất và Nội Bài.

Riêng trục bay Hà Nội – TP.HCM đã có tới gần 39.291 chuyến bay mỗi năm, là một trong những chặng bay nhộn nhịp nhất thế giới, đứng vị trí thứ 6, theo bảng xếp hạng OAG.

Ông Đặng Tất Thắng – Phó chủ tịch thường trực Bamboo Airways, thì cho rằng Tân Sơn Nhất đúng là đang quá tải vào nhiều thời điểm, nhưng vẫn có những thời điểm chưa được khai thác tốt.

“Thực tế dịp tết Âm lịch vừa qua Bamboo Airways có 16 chuyến bay Hà Nội – TP.HCM, trong đó có những chuyến bay đêm, nhằm giảm ách tắc giao thông ở các thành phố lớn. Khi bay đêm, nếu đi từ nhà ra sân bay hay ngược lại đều rất nhanh”, lãnh đạo Bamboo Airways tâm đắc.

Trước đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã đồng ý về việc chọn ACV làm chủ đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất. Lãnh đạo ACV cũng khẳng định sẽ hoàn thành trong 39-43 tháng và cam kết không đội vốn.

(Theo Zing)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu