Thứ Bảy, 03/05/2025 09:45 (GMT +7)

Thương lắm chiếc ghe hàng trên sông

Thứ 4, 07/10/2020 | 08:07:00 [GMT +7] A  A

Thay vì buôn bán tạp hóa tại nhà, nhiều người mang xuống ghe. Hàng hóa đa dạng, chịu khó đi đến từng nhà, len lỏi vào những con rạch nhỏ, tất cả điều đó làm cho ghe hàng trở thành một hình ảnh thân quen và đặc trưng của miền Tây.

Dù đã gần như lỗi thời nhưng đây đó vẫn còn bóng dáng những chiếc ghe hàng bền bỉ ngược xuôi trên sông nước

Ngày nào cũng vậy chiếc ghe hàng của cô Nguyễn Thị Siêng, từ huyện Tháp Mười tỉnh Đồng Tháp xuôi theo con nước tìm đến những khách hàng quen thuộc ở huyện Tân Hưng, Long An.

Trên dưới 30 năm,chiếc ghe hàng của cô Siêng vẫn đỗ lại ở những bến quen

Như lời hẹn sẵn, cứ nghe tiếng kèn vang lên, người dân sinh sống hai bờ kênh lại đổ ra mua đồ. Chiếc ghe hàng của cô Siêng như ôm cả cái chợ nhỏ về miệt bưng biền Đồng Tháp Mười này. Người dân có thể đợi mua mớ thịt, bó rau, bọc bánh cho đến kim chỉ, lưỡi câu,…trên những chiếc ghe hàng lênh đênh sông nước. Bà Hồ Thị Sương, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng quen mua đồ trên những chiếc ghe hàng từ thuở mới về đây khẩn hoang lập nghiệp, đến nay đã mấy chục năm rồi vẫn không thay đổi. Bà Sương cho biết :‘giờ cần lắm mới đi chợ, còn lại mọi thứ đều mua ở ghe hàng hết. Ghe đậu ngay bến sông trước nhà nên cứ bước ra mà mua, khỏi phải đi đâu xa. Muốn mua gì cũng có, mua riết thành mối quen hồi nào không hay.’

Trên chiếc ghe hàng lắc lư, cô Siêng như ôm cả cái chợ nhỏ đến tận tay những khách hàng quen thuộc

Chèo ghe từ khi còn con gái, nay đã quá 50, tuy cuộc sống có phần vất vã dãi nắng dầm mưa, đi sớm về muộn nhưng cô Siêng lại rất vui. Sống trên ghe lâu dần cũng thành quen, lên trên bờ chút xíu lại nhớ ghe, dường như cô đã quen với nhịp sống lắc lư trên sông nước. Bà Nguyễn Thị Siêng, chủ ghe hàng trải lòng: ‘nghề này vất vả dữ lắm, từ 3 giờ sáng đã phải dậy đi làm cho đến 6,7 giờ tối mới về tới nhà. Lo sợ nhất là mấy bữa mưa gió, muốn lật xuồng. Nhiều người thấy vậy kêu tôi lên chợ bán nhưng lên đó, ngồi một chỗ sao mà chịu nổi, tôi quen với ghe xuồng, với sông nước, quen với những bến khách rồi nên cứ thế mà gắn bó đến tận bây giờ luôn.’

Ghe hàng – dấu ấn riêng biệt, mộc mạc của vùng sông nước miền Tây. Bây giờ, lộ làng thuận tiện cho việc thông thương, nên những chiếc ghe hàng cũng đang lùi dần vào quá khứ. Nhưng đâu đó vẫn còn có những người nặng nợ với sông nước, với những chiếc ghe hàng bông dân dã, bình dị, và cứ thế mà tiếng còi văng vẳng sáng, trưa, chiều nơi châu thổ đồng bằng sông Cửu Long.

Duy Huệ – Võ Huy

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu