Dự thảo quy định về huy động vốn đầu tư trong nước, nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và huy động vốn ODA, vay ưu đãi ngoài nước. Theo nội dung khoản 1 Điều 3 của dự thảo Nghị định, Chính phủ đề nghị quy định: Tổng dư nợ các nguồn vốn huy động không vượt quá 100% tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách Thành phố theo dự toán được HĐND Thành phố quyết định hàng năm và áp dụng cho năm ngân sách 2016. Từ năm ngân sách 2017, mức dư nợ vay sẽ thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước năm 2015.
Về ưu đãi bổ sung có mục tiêu theo khoản 2 Điều 5 của Dự thảo Nghị định, Chính phủ đề nghị: Ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho Thành phố tương ứng 70% số tăng thu so với dự toán đã được Thủ tướng Chính phủ giao từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương còn lại (sau khi thực hiện thưởng vượt thu theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước) và các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%.
Tại phiên họp đã số ý kiến đồng tình với đề nghị của Chính phủ về một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách đối với Đà Nẵng.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, về cơ chế đặc thù Chính phủ cần cân đối, tính toán vì nhiều tỉnh, thành phố trung ương cũng sẽ xin cơ chế đặc thù, nên phải hài hoà.
Ông Hiển khẳng định, riêng với Đà Nẵng, Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng tình với cơ chế tỷ lệ thưởng vượt thu 70% đối với 2 khoản vượt dự toán thu. Mức huy động thống nhất không quá 40% số thu ngân sách mà TP Đà Nẵng được hưởng, như vậy cao hơn luật quy định 10% (luật quy định 30%), nhưng mà mức này thấp hơn TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội (hiện là 60%).
Ủy ban thường vụ Quốc hội giao cho Ủy ban tài chính ngân sách tiếp thu, hoàn chỉnh ý kiến của các đại biểu tại phiên họp hôm nay, gửi xin ý kiến từng thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội và chuyển Chính phủ trước ngày 20/7/2016.
Nghị định của Chính phủ áp dụng cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng được thực hiện từ 1/1/2017, theo đúng tinh thần Luật Ngân sách nhà nước 2015./.
Ý kiến ()