Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 16/01/2025 08:10 (GMT +7)
Thủy điện nhỏ và vấn đề lũ lụt, chuyên gia nói gì?
Thứ 7, 31/10/2020 | 08:45:00 [GMT +7] A A
Nhiều ý kiến cho rằng, lũ lụt nặng nề và liên tiếp tại miền Trung vừa qua là do thời tiết cực đoan nhưng cũng có phần “trách nhiệm” của thủy điện nhỏ. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nếu nói rằng thủy điện nhỏ gây ra lũ là chưa chính xác, bản chất thủy điện không thể gây thêm lũ và thủy điện tốt, hay xấu còn do quá trình quản lý, vận hành của con người.
Thủy điện có gây ra lũ?
Tại tọa đàm “Thủy điện nhỏ và vấn đề lũ lụt” do CLB Cafe số tổ chức ngày 30/10, PGS.TS. Vũ Thanh Ca, Khoa Môi trường, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, nghiên cứu hồ chứa thuỷ điện tại châu Âu cho thấy không có bất cứ thông tin nào nói rằng hồ thủy điện làm tăng lũ lụt. Cùng với đó, Việt Nam là quốc gia phát triển thủy điện rất ít, không có tên trên bản đồ thế giới về phát triển thủy điện.
Bản đồ thủy điện thế giới cho thấy, Trung Quốc dẫn đầu về thuỷ điện, sau đó là Mỹ, Nhật, Thuỵ Điển, Na Uy. Trong đó đáng chú ý 99% năng lượng của Na Uy là từ thủy điện.
Ông Ca chia sẻ, trong báo cáo của châu Âu chỉ ra rằng, thủy điện có tác dụng giảm lũ tại những quốc gia, vùng có làm thuỷ điện. Các hồ thủy điện nhỏ dù ít hoặc không có khả năng chống lũ nhưng cũng không gây gia tăng lũ lụt.
Các chuyên gia tham dự tọa đàm.
Đặt vấn đề về ảnh hưởng của thủy điện trong việc phá rừng và đây có thể là nguyên nhân gây lũ lụt? Ông Vũ Thanh Ca nhấn mạnh, rừng chỉ có tác dụng với lũ nhỏ và lượng nước rừng giữ lại được không quá lớn, không thể nói thuỷ điện làm gia tăng lũ.
Có một thông tin mà ông Ca cho là quan trọng, rất đáng lưu ý là hiệp hội Quốc tế các tổ chức nghiên cứu rừng kết luận rằng, rừng có khả năng giảm lũ và điều tiết lũ nhưng rừng không có khả năng tác động tới lũ với dạng lũ cực đoan, lũ lịch sử như ở miền Trung hiện nay.
Đồng tình với quan điểm của ông Vũ Thanh Ca, ông Nguyễn Tài Sơn, Chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế xây dựng các công trình điện cho rằng, thủy điện là nguồn năng lượng tái tạo quý giá, sạch nhất trong các nguồn năng lượng.
Ông Sơn cho biết, thực tế, rừng và thủy điện quan hệ với nhau, thủy điện cần rừng để giữ mực nước không cực đoan. Thủy điện nhỏ chủ yếu ở miền núi, đặc điểm địa hình dốc, lòng dẫn hẹp, sông hẹp có đặc điểm mùa khô ít nước, mùa lũ nước cao, mỗi con sông có hành lang thoát lũ tự nhiên và thủy điện nhỏ khai thác chỗ đó nên hầu như mất rất ít rừng, bình quân 1,9 ha rừng cho 1KW điện.
“Tôi nghĩ lên án thủy điện gây ra lũ ở miền Trung là không công bằng, thuỷ điện nhỏ có thể điều hoà những trận lũ nhỏ, cục bộ nhưng hầu như không có tác động với lũ xảy ra trên diện rộng, cực đoan, như những trận mưa lũ xảy ra tại miền Trung vừa qua”, ông Sơn nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Tài Sơn, tại miền Trung, các hồ thủy điện cũng đã góp phần không nhỏ vào việc cắt lũ, như hồ Quảng Trị 21%, Hương Điền cắt tới 45% đỉnh lũ, hồ Bình Điền 42,3%, Sông Bung 4 cắt 42,7%, Đăk Mi 4 cắt 74,7%, đặc biệt trận lũ ngày 29/10, hồ Sông Tranh 2 cắt tới hơn 50%…
“Khi có lũ, thủy điện giữ bao nhiêu thì cắt đi bấy nhiêu, còn lại nhả lại ra sông, tức là chỉ thủy điện chỉ cắt đi lũ chứ không sinh ra. Bản chất lũ không phải do thủy điện mà quan trọng phải quản lý cho tốt, lơ là thì sẽ có hậu quả”, ông Sơn cho hay.
Sẽ rà soát lại các dự án thủy điện sau đợt lũ miền Trung
Ông Đỗ Đức Quân, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho rằng, hiện các công trình thủy điện khi đưa vào xây dựng phải trải qua nhiều thủ tục liên quan đến Luật Xây dựng, Luật Điện lực, Luật Tài nguyên môi trường, Luật Thủy Lợi…
“Dư luận không đồng thuận với thủy điện vì lý do gây lũ, tôi cho rằng không chính xác, có thể do thông tin chưa đến với người dân đầy đủ nên cũng có những thông tin sai lệch. Bộ Công Thương đã dừng không bổ sung quy hoạch các dự án dưới thủy điện nhỏ dưới 3 MW, các dự án ảnh hưởng đất rừng, đất lúa, môi trường từ nhiều năm. Tuy nhiên, liên quan vấn đề thủy điện, các địa phương cũng cần đánh giá lại, với tình hình cực đoan thời tiết như này, kế hoạch xây dựng ra sao để có kế hoạch phát triển về sau”, ông Quân cho biết.
Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, từ khi có luật bảo vệ rừng 2006, doanh nghiệp khi xây dựng công trình, dự án thủy điện làm mất 1m2 rừng thì phải trồng bù lại 1m2. Từ 2016 đến nay, các dự án có liên quan đến rừng tự nhiên, Bộ sẽ không cho vào thực hiện quy hoạch.
Ông Quân cho biết thêm, sắp tới, Bộ Công Thương sẽ yêu cầu các tỉnh rà soát, đánh giá lại các dự án thủy điện trên địa bàn xem có vấn đề gì không sau đợt lũ lụt cực đoan vừa rồi để kế hoạch phát triển về sau.
Về vấn đề xây dựng các dự án thủy điện trong tương lai, ông Vũ Thanh Ca cho rằng, cần phải hết sức thận trọng khi thiết kế và thi công xây dựng thủy điện.
“Cần phải lập, thẩm định và phê duyệt một cách nghiêm túc báo cáo đánh giá tác động môi trường có kế hoạch giảm thiểu tác động môi trường của hồ, đập thủy điện để đảm bảo xem xét, giảm thiểu mọi nguy cơ tác động môi trường mà thủy điện đem lại”, ông Ca khuyến cáo.
Chuyên gia này đề xuất thêm, các đập thủy điện, đặc biệt là thủy điện nhỏ, cần có cửa xả đáy để đảm bảo thường xuyên xả bùn cát về hạ nguồn. Đồng thời cần xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy trình xả lũ và chạy thủy điện để đảm bảo dòng chảy môi trường cũng như không làm gia tăng nguy cơ lũ và tác động ít nhất tới các hệ sinh thái vùng hạ lưu.
Ông Ca cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thường xuyên quan trắc môi trường trong lòng hồ để đảm bảo quản lý được chất lượng nước hồ, đảm bảo an toàn cho người dân,
https://baotintuc.vn/kinh-te/thuy-dien-nho-va-van-de-lu-lut-chuyen-gia-noi-gi-20201030153309061.htm
Ý kiến ()