Thứ Tư, 22/01/2025 20:44 (GMT +7)

Tiếp tục có nhiều ý kiến về đề xuất quản lý Uber, Grab như taxi truyền thống

Thứ 4, 21/03/2018 | 15:19:00 [GMT +7] A  A

Trước đề xuất mới đây của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về việc sẽ quản lý Uber, Grab như taxi truyền thống, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long chia sẻ: Để có sự bình đẳng về chính sách trong kinh doanh, cần phải tạo điều kiện, gỡ bỏ các ràng buộc không cần thiết và bất hợp lý cho các bên.

Cạnh tranh bình đẳng, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng

Người tiêu dùng đặt xe với phần mềm tiện ích. Ảnh minh họa.

Tại cuộc họp bàn Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mới đây của Bộ GTVT, lãnh đạo Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban soạn thảo nên xác định dịch vụ hỗ trợ kết nối của Uber/Grab là dịch vụ vận tải và quản lý như doanh nghiệp taxi; phải coi các xe sử dụng hợp đồng điện tử là xe taxi.

Liên quan tới vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: Chính sách quản lý vận tải mới nhìn từ phía quản lý chứ không nhìn từ phía cầu. Cần đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng bởi họ được tự do chọn lựa và sử dụng những phương thức kinh doanh, nhà cung cấp dịch vụ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của mình.

Theo ông Ngô Trí Long, đang có quan điểm là nên định danh các xe Uber, GrabCar là taxi, đồng thời quản lý các loại xe đó giống như xe taxi, tức là phải đáp ứng 13 điều kiện kinh doanh như có mào xe, có đồng hồ tính tiền… Nếu áp dụng vào thực tế sẽ làm hạn chế những ưu điểm mà các dịch vụ kết nối.“Trong các cuộc tranh luận vừa qua về xe công nghệ và xe taxi, chúng ta vẫn chưa được nghe tiếng nói của người tiêu dùng. Chủ yếu vẫn là các cuộc tranh luận và so sánh về điều kiện, quyền lợi kinh doanh giữa các bên cung cấp dịch vụ. Phải thừa nhận rằng, từ khi có sự xuất hiện của Uber, Grab, thị trường vận tải đã có những chuyển biến đáng kể. Người tiêu dùng có thể dễ dàng lựa chọn những hình thức dịch vụ khác với giá thành cạnh tranh, tiện lợi hơn”, ông Long chia sẻ.

Chia sẻ với phóng viên báo Tin tức, một chuyên gia tư vấn chính sách ví von: “Nếu coi dịch vụ hỗ trợ kết nối xe hợp đồng của Uber/Grab là dịch vụ taxi- đồng nghĩa với việc xóa bỏ các loại hình dịch vụ trung gian dựa trên nền tảng kỹ thuật số. Khi đó, dịch vụ đặt vé máy bay trở thành bán vé máy bay, dịch vụ đặt phòng khách sạn trở thành kinh doanh khách sạn?

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, một trong những “mắt xích” đang được các doanh nghiệp khai thác hiện nay là việc kết nối giữa bên có nhu cầu và các nhà cung ứng. Với sự hỗ trợ đắc lực của các ứng dụng công nghệ và những thuật toán, việc kết nối cũng như tính toán để xác định nguồn cung, cầu cũng như thời điểm, giá cả…đã giúp ích rất nhiều cho cả người tiêu dùng và nhà cung cấp.

“Dù có sử dụng ứng dụng trung gian hay dịch vụ khác nào trong các mắt xích để tạo ra sản phẩm cuối cùng thì khách sạn Melia vẫn là đơn vị cung cấp dịch vụ lưu trú, lái xe hợp đồng vẫn cung cấp dịch vụ vận tải, Vietjet vẫn cung cấp dịch vụ hàng không. Việc sử dụng ứng dụng công nghệ không làm thay đổi bản chất của dịch vụ mà chỉ đem lại tiện ích cho người tiêu dùng và nhà cung cấp trong việc kết nối và cung cấp – tiếp cận dịch vụ. Nếu coi các nhà cung cấp dụng vụ trung gian là các nhà cung cấp dịch vụ thì không hợp lý”, ông Long nói.

Taxi truyền thống chuyển mình theo thời cuộc

Không chỉ Grab, Uber chạy đua hết tốc lực để chiếm được sự tin dùng của người dân, mà chính các hãng taxi truyền thống cũng đang dần chuyển mình để cải thiện dịch vụ.

Thời gian qua, các hãng taxi truyền thống như Vinasun, Mai Linh, Taxi Group, Thành Công… đã đồng loạt ra mắt ứng dụng đặt xe trên điện thoại, nhằm nâng cao hiệu hoạt động, minh bạch giá cước, quãng đường để tăng tính cạnh tranh.

Để khuyến người dùng đặt xe qua ứng dụng, nhiều hãng còn áp dụng thêm mã khuyến mại từ 20.000 – 30.000 đồng, tương tự như các đối thủ Uber hay Grab. Thậm chí, có hãng còn chấp nhận cho khách hàng thanh toán bằng smartphone, không cần tiền mặt, thông qua ví điện tử.

Theo các chuyên gia kinh tế, để nâng cao chất lượng dịch vụ, các hãng taxi chính thống cần phải thay đổi, như về phương tiện mới hơn, chất lượng lái xe phục vụ tốt hơn. Khi áp dụng phần mềm quản lý, doanh nghiệp taxi sẽ tiết giảm lớn các chi phí quản lý như: tổng đàm, giảm về điều hành các bãi giao ca, giảm các điểm kinh doanh tiếp thị… Hiện, chi phí kinh doanh tiếp thị đang đội lên hàng trăm tỷ đồng cho cả Mai Linh hay Vinasun.

Không chỉ vậy, các hãng taxi cần phải liên kết với nhau mới có thể cạnh tranh bình đẳng với Uber hay Grab. Cụ thể, một ứng dụng đặt xe chung cho các hãng taxi để đáp ứng thuận lợi tối đa cho nhu cầu di chuyển của người hàng khách đang là giải pháp được nhiều người đưa ra. Song hành cùng với đó là một mức giá có thể cạnh tranh được với Uber hay Grab cũng như thu hút khách hàng lựa chọn dịch vụ.

Minh Phương/Báo Tin tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu