Thứ Tư, 15/01/2025 05:33 (GMT +7)

Tiêu thụ nông sản trong tình huống khẩn cấp – Hệ quả từ đối lập tư duy

Thứ 5, 01/04/2021 | 16:19:00 [GMT +7] A  A

Câu chuyện hỗ trợ tiêu thụ nông sản đã trở nên khá phổ biến trong những năm gần đây bởi phương thức sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, công nghiệp chế biến nông sản chưa đủ tầm và hệ thống phân phối hàng hóa chưa có sự kết nối chặt chẽ theo chuỗi giá trị hàng hóa.

Địa điểm bán hàng “giải cứu” nông sản Hải Dương gần chợ Tam Cờ, thành phố Tuyên Quang ngày 10/03/2021. Ảnh: Nam Sương/TTXVN

Thêm vào đó, nông dân và doanh nghiệp vẫn chưa phải là “cặp đũa có đôi” bởi doanh nghiệp vẫn có “tư duy thương vụ”, trong khi người nông dân có “tư duy mùa vụ” nên thường dẫn tới lệch pha trong chuỗi cung ứng. Gần đây, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, kéo theo vận chuyển hàng hóa có lúc bị ngừng chệ khiến khâu tiêu thụ bị đứt gẫy tức thì.

Theo chia sẻ của các chuyên gia với phóng viên TTXVN, để hạn chế tối đa thiệt hại cũng như thúc đẩy tiêu thụ nông sản ổn định hơn, nhất là khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra không còn cách nào khác phải bắt đầu từ tổ chức lại quy mô sản xuất.

Ông Vũ Vinh Phú – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội: Bài học từ tiêu thụ nông sản ở Hải Dương

Sự việc nông sản của nông dân Hải Dương đến thời kỳ thu hoạch nhưng không thể xuất khẩu cũng như tiêu thụ trong nước do ảnh hưởng của dịch COVID-19 có rất nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân chính phải kể đến đó là: sản xuất hàng hóa nông sản ở Việt Nam hiện nay ngày càng tăng trưởng và khối lượng rất lớn theo từng mùa vụ, trong khi hệ thống phân phối, sự liên kết giữa các vùng miền, hạ tầng vận chuyển, chi phí logistics chưa hoàn thiện hoặc chưa đáp ứng được đã gây thêm những khó khăn cho hàng nông sản Việt.

Một nguyên nhân nữa là chính những người đứng ra giải quyết việc ách tắc hàng hóa nông sản đã chưa coi nông sản là của gia đình mình, nhà mình làm ra mà là của nông dân.

Hàng vạn tấn nông sản thực phẩm như cà chua, cà rốt, bắp cải, su hào đã đến mùa thu hoạch để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; trong đó 70% qua cảng Hải Phòng để xuất khẩu đi các nước. Hải Dương phụ thuộc hoàn toàn vào đường vận chuyển ra biển. Trong khi đó, do có dịch nên thành phố Hải Phòng chú trọng chống dịch đã không cho xe vận tải hàng hóa của Hải Dương vào cảng của mình. Lệnh đó chỉ được giải tỏa khi Chính phủ có ý kiến xóa bỏ các trạm kiểm soát trên dọc đường, không “ngăn sống cấm chợ ”.

Từ việc này cho thấy, trước những tình huống khẩn cấp, các bộ, ngành, địa phương phải chủ động hơn trong tiêu thụ hàng hóa cũng như có những kịch bản cụ thể, triển khai khi tức thời đem lại hiệu quả.

Rồi đây trong năm 2021 và những năm tiếp theo, không ai khẳng định là không còn thiên tai, dịch bệnh. Chính vì vậy, các bộ ngành, các địa phương cần phải rút ra những bài học cho những chuyện tương tự kế tiếp nếu có.

Người dân mua hàng tại các điểm hỗ trợ tiêu thụ nông sản thành phố Sơn La ngày 5/3/2021. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Ông Phạm Tất Thắng-cố vấn cấp cao Bộ Công Thương: Thay đổi theo kịp thị trường

Việc sản xuất và tiêu thụ nông sản luôn đối mặt với rủi ro khó lường cả về tự nhiên và xã hội nên đòi hỏi ứng xử kịp thời.

Thời gian qua, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến việc tiêu thụ nông sản gặp khó khăn. Chính vì vậy, không phải chỉ Nhà nước mà kể cả các tổ chức xã hội, tổ chức tự nguyện cũng đã đứng lên hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho vùng dịch.

Còn trên phạm vi toàn quốc gia cần phải có phương án cũng như cách thức tổ chức, phân công trách nhiệm và giả định những tình huống xảy ra như thế nào để xử lý cho chủ động.

Sau sự việc giãn cách xã hội do dịch COVID-19 vừa qua tại một số tỉnh cần rút ra bài học rằng việc tổ chức sản xuất các mặt hàng nông sản phải có sự chủ động trong liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Cùng với đó, trước những diễn biến bất lợi cho thị trường, các tổ chức, doanh nghiệp cần có những phản ứng nhanh nhẹn, kịp thời cũng như những giải pháp hỗ trợ trước những tình huống cấp bách nảy sinh.

Hiện tại, các đơn vị chức năng cũng đã bàn nhiều tới việc tổ chức lại sản xuất chứ chẳng có cơ chế nào có thể đủ linh hoạt, nhanh nhẹn và hiệu quả để ứng phó với những vấn đề bất thường xảy ra.

Điều cần thiết nhất ở đây là phải tổ chức sản xuất sao cho phù hợp với yêu cầu trước tình hình mới, thay đổi kịp thời để theo kịp thị trường mới là giải pháp quan trọng và lâu dài.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Thiếu sự liên kết

Qua sự việc hỗ trợ nông sản tại các tỉnh vùng dịch vừa qua cho thấy sự rời rạc trong gắn kết giữa các chủ hộ nông dân, hợp tác xã và giữa người sản xuất với hệ thống phân phối.

Vì thế, có thể khẳng định nông dân vẫn đang sản xuất theo hướng mạnh ai nấy làm, không có kế hoạch cụ thể khiến sản xuất mang tính nhỏ lẻ, mùa vụ và được chăng hay chớ.

Trong thực tế, dù nhiều nông dân đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các đơn vị nhưng khi giá bên ngoài cao hơn thì tâm lý lại bấp bênh và sẵn sàng phá bỏ giao ước.

Chính vì vậy, mặc dù đã hội nhập sâu rộng với các nước trên thế giới nhưng nền nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa được tổ chức sản xuất theo quy mô lớn và luôn ở thế bị động, nhất là khi có những tình huống bất ngờ xảy ra.

Điều này thể hiện qua việc hỗ trợ nông sản vùng dịch vừa qua, do thiếu sự phối hợp chặt chẽ dẫn đến ùn ứ hàng hoá, thậm chí sợ lây bệnh qua nông sản nên hàng bị chặn không được lưu thông, gây khó khăn trong tiêu thụ hàng hoá, thậm chí tạo ra áp lực đối với cuộc sống của người dân địa phương. Vì vậy, các bộ ngành, địa phương cần rà soát và bổ sung những cơ chế, chính sách hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Hơn nữa, thị hiếu tiêu dùng đang có sự thay đổi lớn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, ô nhiễm môi trường phức tạp hiện nay. Những nông sản an toàn cho sức khỏe sẽ là lựa chọn số 1 của người tiêu dùng.

Đoàn thanh niên và Hội phụ nữ Bộ CHQS thành phố Hải Phòng hỗ trợ nhân dân thu hái cà chua ngày 2/3/2021. Ảnh: TTXVN phát

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Chuyển đổi nhận thức

Việc giải cứu nông sản vừa qua xảy ra không phải trên quy mô rộng và không phải ở đâu cũng xảy ra tình trạng này.

Nguyên nhân khách quan là do tính chất mùa vụ của sản phẩm như rau vụ Đông với thời gian mùa vụ rất ngắn. Vì vậy, hoàn toàn có thời gian để hoạch định trong sản xuất gắn liền với nhu cầu thị trường, tổ chức việc sơ chế bảo quản và chủ động lên kế hoạch thị trường gắn với kế hoạch của mùa vụ.

Về chủ quan là sự ứng phó, phối hợp của các ngành chức năng ở địa phương, kể cả vấn đề giao thông vận tải, nông nghiệp, y tế trong bối cảnh địa phương phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc cách ly xã hội để tập trung vào chống dịch.

Đó là những yếu tố tác động mang tính chất thời điểm, nhưng qua đây chúng ta có thể rút ra một điều là nâng cao tính chủ động các chủ thể, quản lý Nhà nước ở địa phương, khả năng thích ứng của các doanh nghiệp, thông tin thị trường, thông tin của từng người dân và khả năng ứng xử với mùa vụ. Đây là những yếu tố đan xen nhưng có nhiều bài học kinh nghiệm để giải quyết.

Một số ý kiến cho rằng cần thành lập một bộ ứng phó khẩn cấp nhưng theo tôi đó là cụm từ hoàn toàn có thể xử lý trong phạm vi không gian chức năng quản lý Nhà nước.

Thách thức đến từ thiên tai địch họa, những thách thức phi truyền thống như đại dịch COVID-19 hay thách thức từ chính thị trường…. đòi hỏi phải thường xuyên xử lý, chủ động xử lý những vấn đề do yếu tố khách quan và những yếu tố của hội nhập mang lại.

Vì thế, chúng ta nhìn nhận những điều đó để có tư duy tích cực, có những hành động phù hợp, kể cả từ Trung ương đến địa phương, từ các bộ, ngành liên quan và mỗi người nông dân.

Bản chất nông nghiệp không đơn thuần là ngành sản xuất mà nó phải là một ngành kinh tế bởi mọi sản phẩm làm ra phải được lưu thông, thương mại hóa và quan trọng là giá trị mang lại cho người sản xuất, cho nông dân và các chủ thể liên quan, kể cả giá trị kinh tế, văn hóa, tinh thần.

Bởi vậy, việc xác định vùng trồng, khối lượng, trồng như thế nào để phù hợp các kênh phân phối là một vấn đề mà cũng cần phải tính toán.

Việt Nam là một trục cung ứng rất nhiều sản phẩm hàng đầu thế giới về mặt sản lượng và chúng ta có quyền điều chỉnh về sản lượng đó để tạo một thị trường hấp dẫn hơn, để tạo một dư địa về giá trị tốt hơn và thậm chí là theo nghĩa của thị trường khi mà cầu nhiều cung ít thì phần giá trị sẽ tốt. Đây là một bài học đặt ra mà rất nhiều cường quốc trên thế giới về nông nghiệp đã ứng dụng.

Hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp; trong đó cũng đẩy mạnh chuyển đổi nhận thức, tập huấn để mỗi người nông dân tự trang bị kiến thức về kinh tế nông nghiệp, nhất là có kế hoạch để chủ động hơn từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Nhóm PV TTXVN
https://baotintuc.vn/kinh-te/tieu-thu-nong-san-trong-tinh-huong-khan-cap-bai-2-he-qua-tu-doi-lap-tu-duy-20210401073508269.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu