Thứ Bảy, 11/01/2025 09:14 (GMT +7)

Tín dụng chính sách đồng hành cùng người dân biên giới

Thứ 6, 04/11/2022 | 11:23:28 [GMT +7] A  A

Với mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo đời sống an sinh xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vĩnh Hưng đã đưa nguồn vốn chính sách đến từng hộ dân có nhu cầu ở các xã biên giới để đồng hành cùng người dân phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no, giữ gìn phên dậu tổ quốc.

Nhờ nguồn vốn chính sách, nhiều hộ dân biên giới chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao.

Với mảnh vườn 1,5 hecta nằm dọc theo đường tuần tra biên giới thuộc xã Hưng Điền A, trồng xen canh rất nhiều loại cây ăn trái như: ổi, bưởi, mít thái, dừa xiêm, nhưng giá trị nhất là 150 gốc sầu riêng.

Ông Lê Đình Thăm - chủ vườn cho biết: 3 năm trước, nhờ 50 triệu vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vĩnh Hưng đã tiếp sức giúp ông mạnh dạn chuyển từ đất lúa sang trồng cây ăn trái, với ước tính khi tất cả cây trồng đều cho thu hoạch sẽ mang lại lợi nhuận trên 600 triệu đồng/năm.

Ông Thăm cho biết: ‘Nguồn vốn ngân hàng chính sách đã hỗ trợ một phần rất quan trọng để tôi đầu tư ban đầu: như đầu tư lên liếp, đầu tư hệ thống tưới nước nhằm giảm bớt công lao động.’

Gắn bó với vốn chính sách từ những ngày đầu tiên, đến nay, ông Nguyễn Minh Trọng đã 3 lần vay vốn. Nhờ nguồn vốn, ông mới có kinh phí chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi bò sinh sản, bò thịt, và đầu tư tăng đàn từ vài con ban đầu lên 16 con như hiện tại, với lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng/năm, gấp 3,5 lần canh tác 1 hecta lúa.

Ông Nguyễn Minh Trọng sử dụng vốn chính sách để phát triển mô hình nuôi bò sinh sản, bò thịt cho lợi nhuận 150 triệu đồng/năm

Ông Trọng chia sẻ: ‘Ở khu vực biên giới này, trước đây ai cũng khó khăn, nhiều hộ nghèo lắm nhưng nhờ được nguồn vốn chính sách hỗ trợ, tiếp sức bà con làm ăn, phát triển kinh tế mà hộ nghèo giảm đi rất nhiều, ước tính giảm 60-70%.’

Phần lớn hoạt động sản xuất, chăn nuôi của người dân biên giới Vĩnh Hưng đều có sự đồng hành của nguồn vốn tín dụng chính sách. Tính đến cuối tháng 10.2022, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn huyện đạt trên 275 tỷ đồng, với hơn 6.200 khách hàng vay vốn.

Ông Phan Trọng Trinh - Phó giám đốc PGD Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Hưng thông tin thêm: ‘Chúng tôi luôn gắn kết với chính quyền địa phương và các hội đoàn thể, sâu sát với người dân, đặc biệt là ở các xã biên giới, để kịp thời giải ngân, đưa nguồn vốn chính sách đến đúng đối tượng, đồng hành cùng bà con sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập thông qua nhiều mô hình như: sản xuất lúa công nghệ cao, trồng sen, nuôi bò, trồng cây ăn trái,…’

Với quyết tâm giảm nghèo, tư duy đổi mới trong sản xuất, chăn nuôi của người dân, cùng sự đồng hành của nguồn vốn chính sách đã góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo, xây dựng đời sống ấm no nơi biên giới Vĩnh Hưng./.

Duy Huệ - Đức Cảnh

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu