Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 22/01/2025 12:10 (GMT +7)
Tín dụng đang được kiểm soát sẽ khó xảy ra “bong bóng” bất động sản
Thứ 3, 16/07/2019 | 16:00:00 [GMT +7] A A
VOV.VN – Những tín hiệu về “bong bóng” bất động sản không có khi nguồn tín dụng vào thị trường đang bị siết chặt, các phân khúc nhà ở đang được cơ cấu lại.
Thị trường bất động sản những tháng còn lại năm 2019 được dự báo sẽ gặp phải một số khó khăn nhất định. Theo khảo sát của CBRE, sự chậm chễ tiến độ thi công cơ sở hạ tầng và những hạn chế về chính sách là hai rủi ro lớn nhất của thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay.
Nhiều câu hỏi đặt ra, thị trường bất động sản có phải đang đi xuống, “bong bóng” bất động sản có xảy ra như thời điểm giai đoạn 2008-2009 (với chu kỳ 10 năm một lần)?
Theo ông Lê Hoàng Châu Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), qua những cuộc khủng hoảng “bong bóng” bất động sản trước đây cho thấy nhiều bất cập khi dòng tiền đổ vào bất động sản quá lớn. Nguyên nhân trực tiếp bắt nguồn từ chính sách nới lỏng tín dụng, các ngân hàng thương mại đã cho vay dưới chuẩn, tăng trưởng tín dụng rất cao (năm 2007 lên đến hơn 37%).
Tín dụng vào bất động sản đang bị siết chặt.
Ngoài ra, dễ dàng nhận thấy có sự phát triển lệch pha cung – cầu sản phẩm trên thị trường bất động sản, chủ yếu là phát triển nóng ở phân khúc bất động sản cao cấp.
Khi cung cầu lệch xuất hiện rất nhiều nhà đầu tư kinh doanh bất động sản thứ cấp, môi giới, cò đất, cò nhà… làm giá, thổi giá, tạo sóng, đẩy giá ảo rất cao so với giá trị thực của bất động sản khiến thị trường trở nên “méo mó”.
“Từ các yếu tố nêu trên có thể thấy thị trường bất động sản hiện nguồn tín dụng đang được kiểm soát và thắt chặt, phân khúc trung cấp với nhu cầu ở thực đang dẫn dắt thị trường. Do đó, thị trường bất động sản 2019 đang phát triển ổn định, dù có biến động tại một số khu vực, nhưng sẽ không thể xảy ra “bong bóng” bất động sản”.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia, nghiên cứu xu hướng đầu tư giai đoạn tới thấy rõ sẽ có một sự dịch chuyển dòng vốn rất lớn từ thị trường chứng khoán sang thị trường bất động sản. Sự dịch chuyển này có thể bắt đầu từ năm 2019 và nhanh thì có thể kéo dài đến năm 2021, còn chậm thì đến năm 2023.
“Sự chuyển dịch dòng vốn điều đó có nghĩa, giai đoạn từ năm 2021 – 2023 thị trường bất động sản sẽ lên đến đỉnh điểm và nếu có nguy cơ xảy ra “vỡ bong bóng” thì tại thời điểm đó, còn trong năm 2019 và năm 2020 thì khó có thể xảy ra bong bóng bất động sản” – TS Lê Xuân Nghĩa cho biết.
Phân khúc trung cấp với nhu cầu ở thực đang dẫn dắt thị trường.
Ông Dennis Ng Teck Yow – Phó Tổng giám đốc Gamuda Land Việt Nam thì lại có những đánh giá lạc quan về thị trường bất động sản hiện tại. Ông Dennis cho rằng thị trường Hà Nội có rất nhiều đại đô thị đang được xây dựng và tiến độ xây dựng rất tốt. Giá bất động sản sẽ vượt qua ngưỡng trung bình hiện tại nhưng vẫn được kiểm soát tốt.
Thách thức lớn nhất mà thị trường đang gặp phải đó là việc chậm tiến độ các dự án. Ngoài ra, vấn đề môi trường đầu tư, pháp lý cũng ảnh hưởng đến thị trường bất động sản Việt Nam và đây cũng là một rủi ro. Khái niệm “bong bóng” không phải khái niệm đang hiện hữu trên thị trường bất động sản thời điểm hiện tại.
“Những yếu tố có thể thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường bất động sản là vốn đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài nên làm là tìm hiểu quy định pháp lý để hiểu hơn về các chính sách của Việt Nam, sau đó là nên tìm đến các đối tác trong nước phù hợp thực hiện hợp tác đầu tư, mua bán chuyển nhượng dự án. Như vậy, mới có thể bắt tay ngay vào việc thực hiện dự án. Nếu nhà đầu tư ngoại tự đầu tư dự án thì cần phải kiên trì vì quá trình này khá dài” – ông Dennis nói.
EVFTA là một hiệp định thương mại tốt và Việt Nam sẽ giảm được thuế xuất nhập khẩu sang EU. Hiệp định này sẽ làm xuất hiện xu hướng dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam. Ngoài ra, dòng người từ EU đổ vào Việt Nam cũng làm tăng nhu cầu nhà ở đặc biệt là phân khúc cao cấp, thị trường nhà ở sẽ có cơ hội phát triển./.
Theo Phương Hoài/VOV.VN
Ý kiến ()