Tất cả chuyên mục

Sáng nay, 2-4-2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An tổ chức hội nghị tổng kết năm hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2018 và triển khai công tác năm 2019. Ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh dự và chỉ đạo tại hội nghị.
Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An cho biết: Trong năm 2018, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả. Ngành nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, các doanh nghiệp tổ chức sản xuất tập trung, kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ các yếu tố đầu vào và liên kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn. Trong năm 2018 đã có 50 cơ sở trồng trọt được cấp Giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGap, 36 cơ sở nuôi thủy sản với diện tích nuôi trồng thủy áp dụng hệ thống quản lý chất lượng về vệ sinh y tế HACCP, vệ sinh môi trường BRC, 4 lò giết mổ tập trung và 3 chợ bán sỉ thịt gia súc gia cầm số lượng lớn thực hiện dự án an toàn sản phẩm thịt, trứng LIFSAP.
Ngành nông nghiệp cũng phối hợp với các ngành chức năng như Y tế, Công thương, các lực lượng Công an, Quản lý thị trường tỉnh tăng cường công tác kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh vật tư, nguyên vật liệu phân bón, thức ăn chăn nuôi, ngăn chặn chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, kiểm tra chặt chẻ chất lượng các sản phẩm đầu ra của ngành nông nghiệp như rau, củ quả, trái cây, sản phẩm thịt và sản phẩm chế biến. Bên cạnh đó, công tác thông tin, truyền thông về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm được tăng cường, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành vi của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.
Bên cạnh những kết quả đạt được cần tiếp tục phát huy, hội nghị cũng nêu lên những tồn tại, hạn chế trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp trong năm qua. Lực lượng cán bộ quản lý, thanh tra về ATTP tại các địa phương vẫn còn thiếu về số lượng và hạn chế về chuyên môn trong thực thi các nhiệm vụ theo phân công, phân cấp, đặc biệt là trong tổ chức ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ.
Để kết quả thực hiện kế hoạch hành động an toàn thực phẩm nông nghiệp năm 2019 thành công, ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý an toàn thực phẩm; giảm thiểu ô nhiễm sinh học, tạp chất và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn cho tiêu dùng. Ưu tiên, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các đơn vị cơ sở, các hợp tác xã, hộ trang trại xây dựng, thực hiện chuỗi giá trị nông nghiệp từ sản xuất, chế biến, lưu thông, buôn bán đến người tiêu dùng. Trong năm 2019, trước bối cảnh bệnh dịch tả heo Châu Phi đang diễn ra, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm cần phải tăng cường hơn nữa nhằm hạn chế, ngăn chặn, đẩy lùi. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong rong việc thực thi pháp luật, phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất – kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cũng là bảo vệ thành quả ngành nông nghiệp, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Hữu Minh – Xuân Quốc
Ý kiến ()