Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 20/01/2025 20:50 (GMT +7)
Tối ưu hóa cơ hội kinh doanh trong kỷ nguyên số
Thứ 5, 17/10/2019 | 08:54:00 [GMT +7] A A
Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2019 (VBS 2019) diễn ra ngày 16/10 tại Hà Nội với hơn 800 đại biểu tham dự; trong đó, có gần 300 đại biểu quốc tế tham gia chuỗi sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS) và Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Châu Á (ABS).
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhận định, trong 30 năm đổi mới, Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng và hiện đứng ở mức tăng trưởng cao thứ 2 trên thế giới theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB). Việt Nam đã và đang nỗ lực không ngừng để cải thiện môi trường kinh doanh và bắt kịp xu thế mới của thời đại.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Việt Nam ngày nay không chỉ là điểm kinh doanh mà còn là mảnh đất gắn bó lâu dài đối với rất nhiều doanh nghiệp đến từ nhiều quốc gia thế giới.
Với sự mở cửa của nền kinh tế Việt Nam, hầu hết các tập đoàn lớn nhất thế giới đã có mặt tại đây. Họ không chỉ sản xuất hàng hóa mà còn tham gia phát triển công nghệ mới, góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam hiện đã thực sự sẵn sàng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Điều quan trọng nhất là đã xác định rằng, thời cơ đang đến và sẽ đến nhưng sẽ qua đi nếu không biết nắm bắt hay không kịp nắm bắt và vì thế rất cần nỗ lực nhanh nhất để tiến tới.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các yếu tố về hạ tầng, về tài chính, ngân hàng, đất đai cần được các doanh nghiệp, nhà quản lý lưu tâm nhiều hơn. Song song đó, việc đào tạo nhân lực, để học sinh ngay từ bé cũng được khuyến khích sáng tạo cá nhân, giúp tạo nên môi trường sáng tạo, thúc đẩy các giá trị tốt đẹp.
Việt Nam đã có nhiều hành động cụ thể để đẩy mạnh ngành sản xuất thiết yếu liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0. và đẩy mạnh sự phát triển của công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực. Nhiều chỉ số gần đây cho thấy, Việt Nam đang đạt được nhiều kết quả tích cực. An toàn, an ninh thông tin cũng là vấn đề có những nỗ lực, cải thiện rõ rệt trong mấy năm qua. Hay như việc xây dựng mạng 5G, phấn đấu để người dân có thể thực hiện được hầu hết các dịch vụ qua điện thoại di động, dành thời gian cho những việc làm có giá trị hơn và để tận hưởng cuộc sống.
Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn mở cửa chào đón các doanh nghiệp tìm đến với mục đích kinh doanh và nhiều doanh nghiệp đã kinh doanh thành công ở Việt Nam. Chính phủ Việt Nam tiếp tục mong muốn, đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam với phương châm: “Luôn coi thành công của các bạn là thành công của Việt Nam”.
Chính phủ xác định cũng sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn với phương châm “Coi khó khăn của các nhà đầu tư nước ngoài là khó khăn của chính mình”.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Tại hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, các tổ chức quốc tế có uy tín đều đưa ra những con số lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. 90% cộng đồng kinh doanh trong và ngoài nước tin rằng, tình hình kinh doanh sẽ ổn định và tốt hơn trong thời gian tới. 130 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại kinh doanh trong 9 tháng năm 2019 và 70% các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đều cho biết sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư ở Việt Nam.
Việc cải cách thể chế được tăng tốc, hội nhập được thúc đẩy, niềm tin thị trường được củng cố, tinh thần khởi nghiệp được lan tỏa, hệ sinh thái cho khởi nghiệp đang được hoàn thiện… Tất cả sẽ là điểm tựa và những cú hích cho phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam.
Chính phủ đã khởi động thành công Chương trình hành động thực hiện Chính phủ điện tử, xây dựng hạ tầng cho nền kinh tế số ở Việt Nam. Chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin tăng tới 54 bậc trong bảng xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2019 với sự mở rộng của số lượng thuê bao di động và mức độ phổ cập internet được đánh giá cao.
Đây là chỉ số quan trọng nhất báo hiệu sự bùng nổ của ngành công nghệ thông tin viễn thông cũng như triển vọng của ngành sản xuất phần mềm và các giải pháp ứng dụng công nghệ số trong tất cả các ngành và lĩnh vực kinh tế. Đó là cơ hội to lớn cho tất cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Để tối ưu hóa cơ hội kinh doanh tại Việt Nam trong kỷ nguyên số, các chuyên gia kinh tế và đại diện lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ những quan điểm, góc nhìn về cách thức và giải pháp nhằm số hóa nhiều lĩnh vực của nền kinh tế như tài chính, nông nghiệp, sản xuất….
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp, ông Phan Minh Tân, Chủ tịch HĐQT, Công ty cổ phần Đầu tư Công nghệ Giản Đơn (STI) cho hay, công nghệ giúp doanh nghiệp biến đổi mô hình kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, chất lượng quản trị, tối ưu hóa hệ thống; nhân rộng quy mô hoạt động. Mặc dù, công nghệ thực sự là lợi thế và là công cụ nhưng không phải tất cả, không thể thay đổi được cốt lõi chất lượng sản phẩm dịch vụ.
Ông Tân cho biết, công nghệ đưa các doanh nghiệp Việt trong một số ngành lĩnh vực truyền thống trước áp lực cạnh tranh rất lớn nếu không chuyển mình. Tuy nhiên, nếu hiểu sai về công nghệ sẽ dẫn tới việc ứng dụng không trọn vẹn và không hiệu quả, gây lãng phí về tài nguyên và nguồn lực. Doanh nghiệp cần biết tập trung vào các giá trị cốt lõi của mình và đó là chất lượng sản phẩm và dịch vụ.
Bàn về giải pháp đổi mới công nghệ và chuyển dịch lao động trong nông nghiệp, ông Lương Thanh Văn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thủy sản Việt Úc nhận định, khoa học công nghệ đã có những bước phát triển đột phá trong 2 thập kỷ qua. Sự phát triển của khoa học công nghệ đã mang lại sự phát triển của nhiều ngành nghề khác nhau; đặc biệt trong nông nghiệp và thủy sản với những giải pháp thành công đột phá.
Những năm qua, thủy sản là một trong những ngành có đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của toàn nền kinh tế. Ngành thủy sản Việt Nam trong những năm gần đây đã có nhiều thay đổi, Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã giúp thủy sản Việt Nam có cơ hội tổ chức lại hoạt động sản xuất, từng bước ứng dụng khoa học công nghệ và hình thành được các chuỗi liên kết sản xuất cho sản phẩm chất lượng cao hơn.
Các doanh nghiệp hàng đầu ngành như Việt Úc cũng đã chủ động đưa các giải pháp công nghệ vào trong từng phân khúc và thu được nhiều thành quả đáng khích lệ. Công nghệ và việc ứng dụng các thành tựu của đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa, là cánh cửa để doanh nghiệp từng bước vươn ra thế giới.
Ý kiến ()