Thứ Năm, 16/01/2025 23:47 (GMT +7)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Vụ Trịnh Xuân Thanh là một ví dụ thôi, liên quan đến nhiều thứ khác”

Thứ 7, 06/08/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A
Sáng nay, 6-8, tại buổi tiếp xúc cử tri các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình (Hà Nội) để thông báo kết quả kỳ họp thứ Nhất – Quốc hội khóa XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thông tin đến các cử tri những vấn đề dư luận quan tâm quanh công tác kiện toàn nhân sự lãnh đạo nhà nước, chống tham nhũng hay bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, Ba Đình sáng 6-8

Công tác cán bộ là gốc của mọi vấn đề

Trước đó, nhiều cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc đã bày tỏ mong muốn Tổng Bí thư chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng chống tham nhũng, chấn chỉnh công tác cán bộ, hay vấn đề đáng lo ngại về an ninh chủ quyền quốc gia.

Cụ thể, cử tri lần lượt đề cập đến những vấn đề cụ thể đang gây bức xúc dư luận thời gian gần đây như vụ bổ nhiệm cán bộ với ông Trịnh Xuân Thanh, vụ bác tư cách ĐBQH với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, vụ Formosa Hà Tĩnh, vụ tin tặc tấn công mạng tại 2 sân bay quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, hay phán quyết của Tòa Quốc tế về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc trên biển Đông…

Giải đáp một số vấn đề cử tri nêu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, công tác cán bộ rất quan trọng, là then chốt của mọi then chốt, là gốc của mọi vấn đề, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Đường lối hay bao nhiêu, chủ trương, chính sách đúng bao nhiêu, cán bộ không không đạt tiêu chuẩn thì cũng không làm được, thậm chí làm sai lệch đi. Cũng vì thế, không phải ngẫu nhiên mà ngay sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, việc đầu tiên là phân công, bố trí lại cán bộ; kiện toàn ngay nhân sự các cơ quan nhà nước.

“Có ý kiến cho rằng, tháng 5 bầu Quốc hội khóa mới rồi, chỉ còn mấy tháng nữa sao thay một loạt cán bộ thế này? Tại sao phải vội kiện toàn nhân sự ngay tại kỳ họp cuối Quốc hội khóa XIII để rồi đến kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV lại bầu lại, tuyên thệ lại, có hình thức không? Nhưng không phân công làm ngay mà sau Đại hội Đảng vẫn giữ bộ máy như cũ thì về nguyên tắc là không đúng, Đảng ta là Đảng cầm quyền. Hơn nữa nếu cố duy trì trong vài tháng sẽ phát sinh rất nhiều lo ngại” – Tổng Bí thư phân tích.

Nói kỹ hơn về điều này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết: “Trong thực tế, nếu tiếp tục duy trì bộ máy cũ, dù chỉ còn vài tháng nữa hết nhiệm kỳ thì sẽ nảy sinh tình trạng nhiều đồng chí lo lắng, anh mới thì ngồi đó, anh cũ chuẩn bị hết nhiệm kỳ rồi có khi làm đủng đỉnh thôi, chưa nói tranh thủ đề bạt con em, cán bộ nhà mình lên, hay tranh thủ ký dự án thì để hậu quả cho kỳ sau. Cho nên phải thực hiện đúng tinh thần Đảng đã thay đổi nhân sự Trung ương thì phải bố trí lại”.

Vậy bố trí người có đúng không? Tổng Bí thư khẳng định: “Đánh giá bước đầu cho thấy là chính xác, đội ngũ cán bộ mới được bổ nhiệm đã phát huy được năng lực, có khí thế mới, còn cán bộ nghỉ cũng thoải mái”. Tổng Bí thư cho biết thêm, với công tác cán bộ, làm đúng quy trình nhưng phải bảo đảm tiêu chuẩn, cách làm đúng nguyên tắc. Từ Đảng, Quốc hội, Chính phủ đều bàn bạc rất chặt chẽ.

“Trong quá trình làm, có ý kiến cho rằng nên tách Bộ này Bộ khác, thêm Uỷ ban này kia, nhưng trong điều kiện hiện nay chúng ta đã thống nhất chưa nên thay đổi. Bộ máy đang làm tốt thì cứ làm. Còn muốn làm thì phải tổng kết chứ không phải nhập vào rồi lại tách ra mà lịch sử nước ta bao nhiêu lần tách ra nhập vào rồi” – Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với cử tri tại buổi tiếp xúc

Sắp tới tiếp tục xét xử nhiều vụ tham nhũng lớn

Về nội dung phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng cử tri nêu là rất đúng và công tác này cần phải mạnh hơn nữa.

“Đây là việc rất là quan trọng nhưng vô cùng khó khăn phức tạp, một cuộc đấu tranh trong nội bộ, trong mỗi con người, mỗi cá nhân giữa mặt tích cực và tiêu cực, liên quan đến lợi ích, đến danh dự của mỗi con người, mỗi đơn vị. Đặc biệt lợi ích bây giờ là chằng chịt lẫn nhau, chưa kể bên ngoài tác động vào để phá hoại. Chống tham nhũng rất khó khăn nhưng Đảng và Nhà nước vẫn quyết tâm làm, coi đây là việc để làm trong sạch Đảng, trong sách bộ máy” – Tổng Bí thư nói.

Theo Tổng Bí thư, thực tế thời gian qua đã đưa ra xét xử nhiều vụ lớn như Dương Chí Dũng, “Bầu” Kiên, Vũ Đức Hảo, Huỳnh Thị Huyền Như… và hiện nay đang tiếp tục xử lý các vụ án lớn khác, vụ Phạm Công Danh chỉ là một trong 8 vụ án trọng điểm.

“Vụ Trịnh Xuân Thanh là một ví dụ, liên quan đến nhiều thứ khác và chúng ta đang quyết tâm làm. Chúng tôi đã nói nhiều lần là phải làm mạnh nhưng cần có bước đi chắc chắn, khéo léo, hiệu quả và quan trọng phải giữ cho được sự ổn định để phát triển đất nước” – Tổng Bí thư nói.

Tiếp tục trao đổi với cử tri về sự cố môi trường ở các tỉnh miền Trung do hoạt động xả thải của Formosa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, riêng vụ này, chúng ta đã tốn rất nhiều công sức và đây là đấu tranh chứ không phải chỉ là thương lượng. Chúng ta đấu tranh có lý, có tình dựa trên các bằng chứng, chứng cứ cụ thể, buộc lãnh đạo Formosa phải cúi đầu nhận lỗi, hứa khắc phục hậu quả, thay đổi công nghệ, hứa không tái phạm và cũng đã nhận đền bù.

Tổng Bí thư nêu rõ: “Qua sự cố này cũng cho ta một bài học, không phải đầu tư bằng bất cứ giá nào mà phải bảo vệ môi trường, vừa rồi là học phí mà chúng ta phải trả. Bài học lớn là xây dựng phát triển phải tính đến môi trường, phát triển nhanh nhưng phải bền vững chứ không được phiến diện một phía”.

Tổng Bí thư cũng khẳng định, kết quả xử lý với Formosa vừa qua mới chỉ là bề ngoài, tới đây sẽ tiếp tục làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân trong việc để xảy ra sai phạm của Formosa nhưng phải làm theo đúng quy trình, chặt chẽ.

Cuối cùng, về vấn đề bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước, Biển Đông, nhất là sau khi Tòa Quốc tế có phán quyết vụ kiện Philippines với Trung Quốc, Tổng Bí thư tái khẳng định, bảo vệ chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ là 1 trong 2 nhiệm vụ chính trị mà Đảng ta đã cương quyết, trước sau phải làm cho bằng được.

An Ninh Thủ Đô.VN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu