Thứ Năm, 16/01/2025 13:56 (GMT +7)

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp đà tăng trưởng trong quý IV

Thứ 3, 29/09/2020 | 18:39:00 [GMT +7] A  A

Tổng cục Thống kê dự báo với mức tăng trưởng khoảng 2-3% của năm 2020, như vậy sẽ không đạt mục tiêu kế hoạch đặt ra cho giai đoạn 2016-2020.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, các nền kinh tế lớn phải đối mặt với tình trạng suy giảm sâu nhất trong nhiều thập kỷ qua, nền kinh tế Việt Nam duy trì tăng trưởng cũng là thắng lợi lớn trong thời gian đầy biến động này.

Dây chuyền chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản Miền Nam (Khu công nghiệp Trà Nóc, thành phố Cần Thơ). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương tin rằng, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp đà tăng trưởng khá hơn trong quý IV nhờ những yếu tố như: kinh tế thế giới được dự báo đang phục hồi dần sẽ làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa; Hiệp định EVFTA có hiệu lực và đang được các cấp, các ngành tích cực triển khai….

Để hiểu rõ hơn, Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương xung quanh nội dung này.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng mạnh đến kinh tế thế giới và trong nước, bà có đánh giá gì về tình hình kinh tế Việt Nam và những ngành, lĩnh vực nào đóng góp cho tăng trưởng trong 9 tháng năm 2020?

Trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế – xã hội của các quốc gia trên toàn thế giới, các nền kinh tế lớn đối mặt với tình trạng suy thoái sâu, tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua, nền kinh tế Việt Nam 9 tháng năm nay tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng dương 2,12% là một kết quả rất đáng mừng. Đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới, điều này cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo điều hành phòng chống dịch bệnh, khôi phục kinh tế và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế – xã hội”.

Trong các ngành, lĩnh vực có đóng góp chính cho tăng trưởng 9 tháng phải kể đến ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đây là động lực tăng trưởng kinh tế với mức tăng 4,6%, đóng góp hơn 1 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế; một số ngành dịch vụ thị trường cũng đóng góp tích cực cho tăng trưởng như: bán buôn và bán lẻ tăng 4,98% so với cùng kỳ năm trước; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,68%.

Cùng với đó, một số ngành có tăng trưởng tích cực trong 9 tháng như: ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 9,63%; thông tin truyền thông tăng 7,41%; ngành tài chính ngân hàng tăng 6,68%.

Bên cạnh đó, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn và dịch bệnh nhưng đã có nhiều giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả, thể hiện được vai trò bệ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch.

Giải ngân nguồn vốn đầu tư là một trong những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xin bà phân tích rõ những điểm sáng của đầu tư vào nền kinh tế trong thời gian qua, đặc biệt là đầu tư công?

Vốn đầu tư đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế của một quốc gia, là nền tảng cơ bản để phát triển sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trong điều kiện khủng hoảng kinh tế và tác động tiêu cực của dịch COVID-19, sự sụt giảm của vốn đầu tư trên toàn cầu và ở Việt Nam là một tất yếu.

Năm 2020, dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến mọi hoạt động của nền kinh tế làm cho nguồn vốn từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực tư nhân bị sụt giảm. Trong bối cảnh đó, việc tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công chính là giải pháp kích cầu đầu tư, thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm, duy trì đà tăng trưởng kinh tế.

Vốn đầu tư công tập trung chủ yếu cho các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội trọng điểm nên khi nguồn vốn này được giải phóng sẽ có vai trò như “vốn mồi” thu hút nguồn vốn từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài, qua đó góp phần tăng tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.

Trong 9 tháng năm 2020, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành ước tính đạt 1.445,4 nghìn tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước, riêng vốn đầu tư công ước tính đạt 327,9 nghìn tỷ đồng (chiếm 22,7% vốn đầu tư toàn xã hội), tăng 31% so với cùng kỳ năm 2019.

Nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế – xã hội được hưởng lợi khi tăng vốn đầu tư công cho nền kinh tế, đặc biệt phải kể đến các ngành được hưởng lợi chính như xây dựng (cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi công cộng, dự án kinh tế,…), các ngành công nghiệp sản xuất các sản phẩm phục vụ xây dựng (xi măng, sắt thép, gạch ngói, gốm sứ xây dựng) và các doanh nghiệp, người lao động có thêm thu nhập để đầu tư và tái sản xuất.

Chuẩn bị nguồn hàng gạo xuất khẩu tại Công ty Lương thực sông Hậu (Tổng công ty Lương thực miền Nam). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Trên cơ sở kết quả đạt được trong 9 tháng năm 2020, xin bà đánh giá về triển vọng cũng như khả năng tăng trưởng kinh tế của cả năm có đạt mức 2 – 3%? Kết quả này có vai trò như thế nào trong kế hoạch thực hiện kinh tế – xã hội giai đoạn 2016-2020?

Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới, nhất là nền kinh tế nước ta có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường.

Tuy nhiên, tôi tin chúng ta sẽ tiếp đà tăng trưởng khá hơn trong quý IV và tăng trưởng cả năm đạt mức 2 – 3% là khả thi nhờ những yếu tố: kinh tế thế giới được dự báo đang phục hồi dần sẽ làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa; Hiệp định EVFTA có hiệu lực và đang được các cấp, các ngành tích cực triển khai có thể giúp Việt Nam khôi phục hoạt động xuất khẩu vào thị trường châu Âu – vốn là thị trường truyền thống lớn của Việt Nam.

Đối với nông nghiệp, thời tiết năm nay thuận lợi cho hoạt động trồng trọt, nhiều loại cây ăn quả được mùa, giá gạo và thị trường tiêu thụ một số nông sản ổn định, tái đàn lợn hiện nay đang thực hiện khá tốt, diễn ra ở những cơ sở có quy mô chăn nuôi lớn do cơ bản kiểm soát được dịch tả lợn châu Phi; tình hình đầu tư công đến nay mới giải ngân được gần 60% nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc sát sao của các cấp, các ngành nên giải ngân mạnh đầu tư công trong quý IV/2020 là rất lớn.

Cùng với đó, Việt Nam đã trải qua 3 tuần không xuất hiện ca nhiễm COVID-19 mới và đang xem xét khả năng mở lại các đường bay quốc tế và trong nước theo phương án an toàn. Từ đó cho thấy tiềm năng các ngành vận tải, du lịch, khách sạn nhà hàng, nghệ thuật vui chơi giải trí sẽ gia tăng mạnh vào dịp cuối năm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Với mức tăng trưởng khoảng 2 – 3% của năm 2020 thì sẽ không đạt mục tiêu kế hoạch đặt ra cho giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, các nền kinh tế lớn phải đối mặt với tình trạng suy giảm sâu nhất trong nhiều thập kỷ qua thì nền kinh tế duy trì tăng trưởng ở mức trên là thắng lợi lớn trong phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam trong thời gian đầy biến động này.

Khách mua sắm tại siêu thị Big C Thăng Long. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Xin bà cho biết, Tổng cục Thống kê có sự tham mưu với Chính phủ, các bộ, ngành như thế nào trên cơ sở các con số thống kê để góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020?

Trong những năm qua, Tổng cục Thống kê không ngừng nâng cao chất lượng số liệu từ khâu thu thập thông tin đầu vào, tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty để có đầy đủ thông tin phục vụ cho quá trình tính toán, biên soạn các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, giúp Chính phủ có thông tin kịp thời trong chỉ đạo, điều hành kinh tế.

Trong năm 2020, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê đã chủ động xây dựng và liên tục rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng GDP hàng quý theo các ngành và lĩnh vực kinh tế trước diễn biến phức tạp và khó lường của dịch COVID-19 tác động rất tiêu cực đến kinh tế trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê đã tăng cường phối hợp với các địa phương để rà soát, đánh giá cập nhật tình hình và ước tính tăng trưởng GRDP theo ngành, lĩnh vực cho tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Qua đây, bức tranh kinh tế của toàn quốc được thấy rõ hơn qua tình hình cụ thể của các địa phương. Đồng thời cho phép có thể xem xét, đánh giá nền kinh tế từ Trung ương xuống địa phương và ngược lại.

Việc Tổng cục Thống kê cập nhật kịch bản tăng trưởng nhiều lần trong năm 2020 nhằm đưa ra kết quả dự báo sát hơn với diễn biến của dịch bệnh, đánh giá kịp thời hiệu quả việc điều chỉnh chính sách của Chính phủ qua các gói hỗ trợ… Từ đó, phác họa bức tranh kinh tế sát thực nhất để Chính phủ có thể ban hành các chính sách điều hành, phát triển kinh tế – xã hội phù hợp và kịp thời.

Tổng cục Thống kê đã có những đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, đánh giá thực trạng để kịp thời cập nhật tình hình, điều chỉnh kế hoạch của lĩnh vực thuộc phạm vi được phân công phụ trách theo kịch bản tăng trưởng nhằm có những giải pháp phù hợp huy động và khơi thông các nguồn lực trong sự đồng bộ, thống nhất với mục tiêu đạt mức tăng trưởng cao nhất có thể.

Xin trân trọng cám ơn bà!

Thúy Hiền/TTXVN (Thực hiện)
https://baotintuc.vn/kinh-te/tong-cuc-truong-nguyen-thi-huong-kinh-te-viet-nam-se-tiep-da-tang-truong-trong-quy-iv-20200929122742506.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu