Chủ Nhật, 12/01/2025 00:43 (GMT +7)

TP Hồ Chí Minh báo động số ca sốt xuất huyết tăng cao nhất nước

Thứ 3, 25/07/2017 | 15:54:00 [GMT +7] A  A

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, TP Hồ Chí Minh có số ca sốt xuất huyết (SXH) cao nhất cả nước, chiếm 1/5 số ca bệnh của cả nước và có tỷ lệ người mắc SXH/100.000 dân đứng thứ 4 cả nước.

Lo ngại nhiễm chéo các bệnh nhiễm trùng

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, số ca mắc SXH trên địa bàn thành phố tính lũy kế từ đầu năm 2017 đến nay là hơn 10.652 ca, tăng 21% so với cùng kỳ 2016, trong đó có 3 ca tử vong, tăng 2 ca so với cùng kỳ năm 2016. Các quận, huyện có số ca mắc tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2016 là quận 12, Bình Tân, huyện Hóc Môn, huyện Cần Giờ, trong đó quận Bình Tân có số ca mắc và tỷ lệ mắc cao nhất thành phố. Các quận, huyện có số ca bệnh tăng nhanh từ giữa tháng 6 là quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình và huyện Hóc Môn.

Qua ghi nhận tại các bệnh viện nhi của TP Hồ Chí Minh, số ca nhập viện do SXH đang tăng cao, trong đó có nhiều ca bệnh nặng. Chẳng hạn như tại bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh), trong sáng 25/7 có 110 trẻ đang nằm viện điều trị, trong đó có 9 trẻ bị sốt nặng.

Bác sĩ Ngô Ngọc Quang Minh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết từ đầu năm đến nay bệnh viện tiếp nhận 2.000 trường hợp nhập viện do bị SXH, trong đó có 3 trường hợp tử vong. Theo đó, bắt đầu từ tháng 6, số trẻ nhập viện do SXH tăng cao liên tục. Nếu tháng 6 trung bình mỗi tuần có 50 – 60 trẻ phải nhập viện thì trong đầu tháng 7, số trẻ tăng lên 80 – 90 ca/tuần. So với cùng kỳ năm 2016, số trẻ nhập viện tăng gấp đôi. Bên cạnh đó, số ca sốc và bệnh nặng cũng tăng theo.

Lo ngại trẻ nhập viện đông sẽ dẫn đến nhiễm chéo các bệnh khác.

Còn theo Phó Giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) Trịnh Hữu Tùng, tính riêng trong tháng 6, số ca SXH điều trị ngoại trú tại bệnh viện là 479 trường hợp, tăng 64,3% so với cùng kỳ năm 2016 và số ca điều trị nội trú là 273 ca, tăng 116% so với cùng kỳ năm 2016. Từ đầu tháng 7 đến nay, số ca SXH điều trị nội trú và ngoại trú tại bệnh viện tiếp tục tăng, lúc nào cũng có 50 đến 70 bệnh nhi nằm điều trị do bệnh SXH.Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa SXH bệnh viện Nhi Đồng 1, lo ngại tình trạng quá tải sẽ dẫn đến nguy cơ nhiễm chéo các bệnh nhiễm trùng khác ngoài SXH như tiêu chảy, viêm phổi… Do đó, các bệnh viện tuyến dưới nên giữ bệnh nhân lại điều trị, không chuyển tuyến lên tuyến trên nếu không phải cần thiết. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần phải bình tĩnh, với các trẻ chỉ định điều trị tại nhà thì phụ huynh nên tuân thủ điều trị, tránh trường hợp xin nhập viện.

Bác sĩ Tuấn cũng cảnh báo những triệu chứng sốc SXH sẽ rất nguy hiểm, cha mẹ cần lưu tâm như huyết áp tụt, đau bụng, gan to, suy đa cơ quan, ói ra máu, các dấu hiệu xuất huyết trên cơ thể, đi tiêu phân đen…; ở bé gái trong tuổi dậy thì có kèm xuất huyết âm đạo… SXH sẽ rất nguy hiểm với trẻ nhũ nhi, thừa cân, hay có bệnh lí đi kèm…

Xử phạt 75 trường hợp vi phạm

Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, để ngăn chặn dịch bệnh truyền nhiễm Sở Y tế đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó thành phố thực hiện mở rộng ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) để xác định vị trí ca bệnh và thời gian xuất hiện ca bệnh; xây dựng công cụ kết nối phần mềm giám sát bệnh truyền nhiễm với phần mềm GIS để từ đó giám sát, phát hiện sớm các bệnh truyền nhiễm từ bệnh viện đến cộng đồng.

Theo đánh giá của ngành y tế TP Hồ Chí Minh, trước tình trạng dịch SXH đang diễn biến phức tạp nhưng công tác phòng chống SXH tại thành phố đang gặp nhiều khó khăn, trong đó nhiều quận, huyện đô thị hóa nhanh có nhiều công trình xây dựng là nơi ẩn lấp cho muỗi. Một số địa bàn hệ thống kênh rạch nhiều tạo môi trường cho muỗi, lăng quăng phát triển. Bên cạnh đó, có những quận, huyện dân cư biến động, chỗ ở không ổn định đã gây khó khăn trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh.

Đại diện huyện Hóc Môn cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã có 603 ca SXH, tăng 41% so với năm 2016. Qua kiểm tra, nhiều vựa ve chai không có mái che, quán ăn có chậu kiểng, cơ sở chăn nuôi có vật chứa nước không được vệ sinh thường xuyên nên nước đọng có lăng quăng sinh sống. Bên cạnh đó, nhiều xã không thực hiện đúng quy trình xử lý các điểm nguy cơ do số điểm này quá nhiều.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Tân Phú, cho biết dịch bệnh SXH trên địa bàn quận đang tăng so năm 2016. Một trong những nguyên nhân là trên địa bàn quận có nhiều công trình xây dựng, bãi đất trống, bãi giữ xe là nơi ẩn lấp của muỗi, lăng quăng. Riêng tại phường Tân Sơn Nhì có lúc có tới 40 công trình xây dựng.

Bên cạnh công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, TP Hồ Chí Minh cũng đã thực hiện biện pháp xử phạt hành chính đối với những cá nhân, tập thể vi phạm trong lĩnh vực y tế. Theo thống kê của Sở Y tế, trong 6 tháng đầu năm, ngành y tế đã xử phạt hành chính 75 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực y tế về công tác phòng chống dịch bệnh. Theo đó, các quận xử phạt nhiều nhất như huyện Hóc Môn xử phạt 13 trường hợp, quận Tân Phú 12 trường hợp, Thủ Đức 21 trường hợp…

Trong buổi làm việc về công tác phòng chống dịch SXH tại TP Hồ Chí Minh vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, một trong những biện pháp quan trọng là thực hiện tốt công tác phân tuyến điều trị bệnh SXH cho các bệnh viện. Cùng với thực hiện tốt công tác truyền thông để người dân nâng cao nhận thức, tham gia diệt muỗi và lăng quăng, TP Hồ Chí Minh cần làm quyết liệt hơn việc xử phạt các trường hợp cố tình không thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Bên cạnh đó, Phó viện trưởng Viện Y tế công cộng TP Hồ Chí Minh Phùng Đức Nhật cho rằng, cần có các giải pháp huy động cộng đồng tham gia phòng chống dịch như vận động người dân chủ động diệt muỗi, bọ gậy cùng với sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể sẽ hiệu quả hơn so với chỉ áp dụng giải pháp phun xịt thuốc diệt muỗi.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu đề nghị các địa phương giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến tận thôn, ấp, xã, phường và hộ gia đình và tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch; nắm sát số ổ dịch đã chấm dứt, số ổ dịch đang hoạt động và mới sinh để kịp thời xử lý.

Đan Phương/Báo Tin Tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu