Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 14/01/2025 17:44 (GMT +7)
TP Hồ Chí Minh kiến nghị ưu tiên vốn thực hiện dự án đường Vành đai 3
Thứ 5, 29/04/2021 | 15:20:00 [GMT +7] A A
UBND TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải về triển khai đầu tư dự án đường Vành đai 3 – TP Hồ Chí Minh; trong đó, kiến nghị ưu tiên vốn từ Trung ương để sớm triển khai dự án.
Một góc Quận 2 với xa lộ Hà Nội và tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên. Ảnh minh họa: Thanh Vũ/TTXVN
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, tuyến đường Vành đai 3 có ý nghĩa rất quan trọng, tạo điều kiện phát triển dịch vụ vận tải liên vùng góp phần phát triển kinh tế – xã hội TP Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đường Vành đai 3 kết nối với cao tốc TP Hồ Chí Minh – Mộc Bài; cao tốc TP Hồ Chí Minh – Chơn Thành (dự kiến đầu tư theo hình thức PPP trong giai đoạn 2021 – 2025), việc chậm khép kín đường Vành đai 3 sẽ giảm hiệu quả đầu tư và khó khăn trong kêu gọi đầu tư xây dựng các đường cao tốc này.
Về nguồn vốn, theo UBND TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ đã phê quyệt quy hoạch chi tiết đường Vành đai 3 – TP Hồ Chí Minh năm 2011, với nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA kết hợp khai thác quỹ đất của các địa phương có tuyến đường đi qua và huy động từ tư nhân. Về việc bồi thường giải phóng mặt bằng, theo ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải, tổng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đối với đoạn 3 (Bình Chuẩn – Quốc lộ 22) và đoạn 4 (Quốc lộ 22 – Bến Lức) khoảng 9.734 tỷ đồng.
Tại Công văn 419/TTg-KTTH ngày 2/4/2021, Thủ tướng Chỉnh phủ chưa thông qua chủ trương đầu tư công đối với dự án (chỉ ưu tiên đối với các dự án chuyển tiếp và các dự án khởi công mới) nên chưa thể thực hiện được. Giai đoạn 2021 – 2025, dự kiến phân bổ vốn trung hạn cho TP Hồ Chí Minh là 156.483 tỷ đồng.
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, sau khi bố trí các dự án chuyển tiếp và các dự án đã khởi công thực hiện, hiện nay, thành phố không đủ nguồn cân đối cho các dự án đầu tư mới trong giai đoạn 2021 – 2025, bao gồm cả các dự án trọng điểm của thành phố và dự án bồi thường giải phóng mặt bằng đường Vành đai 3. Do đó, thành phố kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, ưu tiên đầu tư các dự án khép kín đường Vành đai 3 bằng nguồn vốn ngân sách trung ương hoặc các nguồn vốn khác được bố trí từ Trung ương (trái phiếu Chính phủ, ODA…).
Trước đó, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã có nhiều văn bản kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu đầu tư khép kín đường Vành đai 3. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và thực hiện.
Đường Vành đai 3 đi qua địa phận TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Long An với tổng chiều dài khoảng 89 km. Đây là dự án mang tính huyết mạch, kết nối các tỉnh thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phân luồng các phương tiện vận tải nặng quá cảnh qua TP Hồ Chí Minh không phải lưu thông vào trung tâm thành phố, rút ngắn thời gian lưu thông giữa các tỉnh…
https://baotintuc.vn/tp-ho-chi-minh/tp-ho-chi-minh-kien-nghi-uu-tien-von-thuc-hien-du-an-duong-vanh-dai-3-20210429122147981.htm
Ý kiến ()