Thứ Ba, 24/12/2024 08:04 (GMT +7)

Thành phố Tân An: Lễ Chu niên Đức Chưởng tiền quân Kiến Xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức

Thứ 3, 04/10/2022 | 10:41:49 [GMT +7] A  A

Ngày 3/10/2022, Đoàn cán bộ TP. Tân An do ông Nguyễn Minh Hùng - Chủ tịch UBND thành phố làm trưởng đoàn đã đến viếng và thắp hương Đức Chưởng tiền quân Kiến xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức nhân ngày lễ Chu niên (Lễ giỗ) lần thứ 204 của ông, tại phường Khánh Hậu, TP. Tân An.

Ông Nguyễn Minh Hùng - Chủ tịch UBND TP. Tân An (thứ 4 từ phải qua) chụp hình lưu niệm cùng gia tộc Nguyễn Huỳnh Đức

Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức sinh năm 1748, tại làng Tường Khánh, huyện Kiến Hưng, nay là phường Khánh Hậu, thành phố Tân An. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống ba đời võ nghiệp, có ông nội là Huỳnh Công Châu và cha đẻ là Huỳnh Công Lương. Theo sách “Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức, nhân vật – võ nghiệp và di sản”, ông tên thật là Huỳnh Công Đức, thường được gọi theo quốc tính vua ban là Nguyễn Huỳnh Đức. Ông sinh ra ở phương Nam nhưng là phả hệ đời thứ 3 của một gia đình di dân từ đất Thăng Long đến khai hoang, lập làng đầu tiên ở Giồng Cái Én thuộc vùng đất Ba Giồng (nay thuộc địa phận hai tỉnh Long An và Tiền Giang). Năm 1782, ông được phong chức Tiền quân. Từ đó về sau, cuộc đời ông gắn chặt với chúa Nguyễn. Vì có công, ông được ban “quốc tính” và xem như người trong hoàng tộc, nên ông mang tên Nguyễn Huỳnh Đức từ lúc ấy. 

Ngày 9 tháng 9 năm Kỷ Mão (tức 27 tháng 10 năm 1819), ông mất khi đang tại chức, thọ 71 tuổi, được dân gian xem như một vị thần. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), ông được truy tặng là Kiến Xương Quận công. Ông có bốn người con trai đều là võ quan, trong số đó có hai người là rể của vua Gia Long.

Người dân đến chiêm bái, thắp hương Đức Quận công

Lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức được xây dựng vào năm 1817, là một trong những kiến trúc lăng mộ cổ nhất tại Long An còn tồn tại gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay. Với chất liệu đá ong và vữa tam hợp, di tích chịu nhiều ảnh hưởng bởi phong cách, kiểu dáng kiến trúc thời Nguyễn nhưng vẫn mang bản sắc địa phương và trở thành điển hình cho lối kiến trúc lăng mộ của tầng lớp quan lại đầu thế kỷ XIX. Cổng và đền thờ được xây dựng sau nhưng vẫn mang phong cách kiến trúc cổ truyền, có sự kết hợp hài hòa giữa tính hiện đại và truyền thống trong chất liệu cũng như nghệ thuật. Các chiếu chỉ, sắc phong và cổ vật quý hiếm trong di tích là những tư liệu vô giá phục vụ khách tham quan và các nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa thời cận đại.

Năm 1993, di tích nghệ thuật Lăng mộ và đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích quốc gia tại Quyết định số 534-QĐ/BT ngày 11/5/1993.

Tưởng nhớ Đức cao tổ, vị công thần của dân tộc, hàng năm, trong 3 ngày (từ 7 – 9/9 Âm lịch), hội đồng gia tộc tổ chức lễ giỗ nhằm tỏ lòng thành kính và giáo dục truyền thống cho thế hệ con cháu. Truyền thống này được kế tục từ năm 1819 đến nay./.

Ngọc Nhanh - Nhựt Kha

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu