Tất cả chuyên mục

Tại khu phố Thủ Tửu 1, phường Tân Khánh – tp. Tân An, mô hình đan nón bàng của Hội LHPN phường đạt nhiều kết quả rõ rệt. Từ khi mô hình đan nón bàng ra đời đã giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông nhàn, phát triển kinh tế gia đình và còn là nơi gắn kết, tập hợp chị em tham gia vào tổ chức Hội.
Xuất phát từ thực tế địa phương là một phường ngoại ô, người dân chủ yếu sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, thu nhập thấp; thời gian nhàn rỗi của chị em địa phương khá nhiều, vì thế Hội LHPN phường đã tìm hiểu mô hình đan nón bàng về phổ biến cho các chị em thực hiện để có việc làm thường xuyên và đầu ra ổn định. Mô hình được triển khai và duy trì đến nay gần 10 năm với gần 40 chị em tham gia, chủ yếu tập trung ở khu phố Thủ Tục 1.
Khi tham gia mô hình, Hội LHPN phường hỗ trợ mỗi thành viên vay vốn từ 10 – 20 triệu đồng; đồng thời chị em được hướng dẫn cách đan nón bàng, người lành nghề sẽ hướng dẫn cho người mới, tạo sự đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Bên cạnh đó, mô hình còn đảm bảo nguồn nguyên liệu và đầu ra cho sản phẩm. Đến nay, sau khi trừ chi phí nguyên liệu mua bàng, mỗi thành viên có thu nhập gần từ 3 – 4 triệu đồng/tháng. Thấy hiệu quả từ mô hình, ngày càng có nhiều chị em phụ nữ đến học nghề. Đây là việc làm phù hợp với phụ nữ nông thôn vì có thể tranh thủ lúc rảnh rỗi để tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Hơn 60 tuổi, cô Phan Thị Bính vẫn nhanh tay đan từng chiếc nón bàng. Cô cho biết việc đan nón khá đơn giản, người học nhanh chỉ cần 1 giờ đồng hồ là có thể làm được. Đan bàng cho thu nhập không cao, nhưng có việc làm thường xuyên và giá ổn định.
Nghề đan nón bàng ít vốn, sử dụng thời gian nhàn rỗi và chủ yếu là lấy công làm lời. Thời gian tới, Hội LHPN phường tiếp tục duy trì mô hình ở khu phố Thủ Tửu 1, đồng thời mở rộng mô hình, góp phần ổn định đời sống của chị em phụ nữ trên địa bàn phường./.
KIM NGÂN – LÊ QUANG
Ý kiến ()