Thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011 – 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020, Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng) cho rằng, trong 26 chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2011 – 2015 có 16 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 10 chỉ tiêu không đạt, kinh tế trong nước vẫn phải đối mặt với những khó khăn thách thức lớn nhất là nguy cơ tiềm ẩn có thế gây ra mất ổn định trở lại.
|
Đại biểu Trần Ngọc Vinh chỉ rõ sự tích lũy nợ công tăng lên chóng mặt trong những năm gần đây. |
Đại biểu Vinh đề nghị Chính phủ cần phân tích làm rõ toàn diện hơn để tìm ra đâu là nguyên nhân dẫn đến một số chỉ tiêu quan trọng phấn đấu nhiều năm vẫn không đạt được. Cụ thể là nợ công hiện nay đã ở mức báo động cao, sự tích lũy nợ công tăng lên chóng mặt trong những năm gần đây, điều này cho thấy sự liên quan lớn giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế và mức nợ công của Chính phủ, trung bình mỗi năm tổng số nợ công tăng thêm 2%/GDP và tăng 4% trong năm 2015, đây là năm kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm. “Tất cả các khoản trả nợ gốc và lãi đang bào mòn ngân sách với tốc độ rất lớn. Đây là hệ quả của việc sau một thời gian dài liên tục nước ta đi vay một cách tràn lan song đầu tư không đem lại hiệu quả”, Đại biểu Vinh chỉ rõ.
Để kìm hãm tốc độ phi mã của nợ công hiện nay, Đại biểu đề nghị chính phủ kiểm soát chặt chẽ việc phân bổ và sử dụng nguồn vốn vay về các địa phương và các dự án lớn. cải thiện cơ chế chính sách nhằm giải phóng tiềm lực kinh doanh của doanh nghiệp trong nước và thu hút vốn nhàn rỗi trong nhân dân, thay đổi cơ cấu nợ công xây dựng cơ chế quản lý nợ công hiệu quả hơn.
Đối với tình hình bội chi ngân sách, Đại biểu Vinh dẫn chứng báo cáo của Chính phủ năm 2016 thừa nhận tình hình bội chi ngân sách còn cao chưa đảm bảo mục tiêu 4,5% GDP. Bên cạnh những vấn đề như lãng phí đầu tư công, rút ruột công trình và nợ công không được xử lý hiệu quả, về lâu dài, tình trạng ngân sách cạn kiệt và việc chi tiêu không được quản lý chặt chẽ sẽ dẫn đến những hiệu quả nghiêm trọng cho tình hình kinh tế tài chính Việt Nam.
“Khi nguồn thu không đủ chi sẽ dẫn đến bội chi năm này qua năm khác. Khi không kìm hãm được bội chi đương nhiên sẽ không có tiền để trả nợ mà còn phải tiếp tục vay để trả nợ cũ, điều đó cho thấy vấn đề quản lý ngân sách nhà nước đang có vấn đề. Ngân sách không có tiền để đầu tư là một điều rất nguy hiểm, do vậy đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng trên trong nhiệm kỳ tới”, Đại biểu Vinh chỉ khẩn thiết đề xuất.
Nền kinh tế tiến dần phụ thuộc vào khu vực FDI
Cũng tại phiên thảo luận, những bất cập trong ưu đãi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Theo Đại biểu Trần Ngọc Vinh, bên cạnh những hiệu quả tích cực do nguồn vốn FDI mang lại cho nền kinh tế như phát triển thúc đẩy kinh tế đặc biệt là những ngành có thế mạnh về xuất khẩu, thì việc ưu đãi đầu tư vốn quá nhiều cho các dự án FDI đã khiến các doanh nghiệp trong nước bị chèn ép, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu công nghiệp và dịch vụ.
Đại biểu Vinh nhận định, mặc dù Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nhưng chưa thực sự hiệu quả. Việc tiếp cận nguồn vốn, giãn, hoãn, khoanh nợ thuế, điều chỉnh lãi suất, xử lý nợ xấu, hàng tồn kho, cung cấp thông tin, điều kiện tiếp cận thị trường… chỉ có tác dụng đối với doanh nghiệp làm ăn có lãi, còn các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thì không có tác dụng.
Do vậy, để nền kinh tế có bước phát triển ổn định bền vững, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm hơn nữa đến chất lượng các dự án FDI. Chỉ nên đầu tư thu hút nguồn vốn này ở những ngành, lĩnh vực nước ta còn thiểu và yếu, thay thế việc thu hút đầu tư nước ngoài một cách tràn lan, thiếu định hướng, tránh việc mất cân đối trong hỗ trợ của nhà nước giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.
Tương tự với nhận định của đại biểu Vinh, Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) cũng cho rằng, khối các doanh nghiệp FDI đã có giá trị xuất siêu lớn nhất trong các thành phần kinh tế, điều này sẽ gia tăng mạnh trong tương lai gần do tác động của lộ trình hội nhập TPP.
Tuy nhiên, Đại biểu Nhân cho rằng, với nhiều lợi thế về vốn và công nghệ, thị trường, trình độ và kinh nghiệm quản trị… khu vực FDI chắc chắn sẽ khai thác tốt các cơ hội tạo ra sự cách biệt, tỷ trọng đóng góp GDP ngày càng lớn hơn so với các khu vực kinh tế còn lại.
Đại biểu Nhân chỉ rõ: “Nếu tiến trình này liên tục diễn ra thì việc nền kinh tế tiến dần đến phụ thuộc vào khu vực này chỉ là vấn đề thời gian. Đây không còn là viễn cảnh mà là một thực tế đang diễn ra khi nhìn vào tỷ suất hiệu quả vốn đầu tư của các doanh nghiệp FDI. Chính phủ cũng phải tìm ra các ứng xử khi các giải pháp kiểm soát chống chuyển giá trong thời gian qua gần như bị vô hiệu hóa, trong khi vòng vốn đầu tư FDI vẫn tiếp tục gia tăng ngay cả khi lạm phát đang ở mức thấp nhất hiện nay”.
Trong khi đó, đánh giá cao và khẳng định tính hiệu quả đầu tư của khối doanh nghiệp FDI, Đại biểu Võ Kim Cự (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh) lại đề nghị các Bộ, ngành và Trung ương cần phải tiếp tục tổng kết thực tiễn kết quả trong việc thành công trong kinh tế đối ngoại, đặc biệt trong kêu gọi đầu tư nước ngoài.
“Cho đến nay, mặc dù còn chỗ nọ chỗ kia nhưng phải khẳng định là chúng ta thành công trong thu hút đầu tư FDI. Trên 60 – 70% nguồn thu ngân sách có được từ lĩnh vực này, kim ngạch xuất khẩu cũng tăng cao xuất phát từ lĩnh vực đầu tư nước ngoài, đồng thời giải quyết việc làm của hàng chục vạn lao động nên đây cũng chính là động lực để phát triển nền kinh tế. Ngay tại Khu kinh tế Vũng Áng của Hà Tĩnh, nếu không có hàng chục tỷ USD của nước ngoài đầu tư thì không thể phát triển như ngày hôm nay”, Đại biểu Võ Kim Cự khẳng định./.
Ý kiến ()