Thứ Hai, 23/12/2024 14:54 (GMT +7)

Trầm mặc Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn.

Thứ 4, 23/12/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài Gòn năm nay vừa tròn 135 năm tuổi, uy nghi, cổ kính như một chứng nhân trầm mặc tọa lạc ở Công trường Công xã Paris, giữa trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là nơi không chỉ để người Công giáo đến làm lễ, cầu nguyện mà còn là một địa chỉ du lịch cho du khách khi đến thăm Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhà thờ được người Pháp đặt viên đá xây dựng đầu tiên vào ngày 7/10/1877 và hoàn thành vào năm 1880 dựa trên bản thiết kế của kiến trúc sư J. Bourad. Nhà thờ với kiến trúc theo kiểu Roman cải biên, pha trộn nét Gothique có chiều dài 93m, rộng 35m, vòm mái cao 21m.
Năm 1895, nhà thờ xây thêm hai tháp chuông, mỗi tháp cao 57,6m và làm 6 chuông đồng lớn nặng 28,85 tấn. Mặt chính tòa nhà hướng về đường Đồng Khởi, một trong những con đường xưa nhất và sầm uất nhất của Sài Gòn.

Ngói dùng để lợp mái nhà thờ gồm ba loại ngói chính: ngói âm dương dùng lợp cho mái thấp, ngói vảy cá lợp vùng mái trung gian và ngói tây ở phía trên khu vực chánh điện. Các loại ngói đều có đặc tính dễ lợp, bền chắc, chịu được mưa nắng, sử dụng lâu dài. Tường nhà thờ gồm hai phần, phần móng được xây dựng bằng đá tảng và phần tường xây bằng gạch nung già. Đây là loại gạch thẻ sản xuất trong nước vào thế kỷ 19 khá bền, không bị bám bụi rêu và màu sắc không thay đổi theo thời gian. Tường nhà thờ có độ dày 65cm được thiết kế cách nhiệt, cách âm, giảm tiếng ồn từ bên ngoài vọng vào.


Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn cổ kính như một chứng nhân trầm mặc
trước cuộc sống sôi động của Thành phố. Ảnh: Nguyễn Luân.

Tượng Đức Mẹ Hòa Bình cao 4,6m làm bằng đá cẩm thạch của Ý đặt phía trước Nhà thờ,
là nơi cầu nguyện tâm linh của nhiều giáo dân. Ảnh: Nguyễn Luân.

Giáo dân cầu nguyện dưới tượng Đức Mẹ Hòa Bình phía trước Nhà thờ Đức Bà. Ảnh: Nguyễn Luân


Tượng Đức Mẹ Hòa Bình lấp lánh về đêm. Ảnh: Nguyễn Luân.


Nhà thờ mở cửa đón khách tham quan hàng ngày và các lễ thánh được tổ chức nhiều lần trong ngày, đặc biệt Chủ Nhật có cả lễ thánh bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Ảnh: Trọng Chính

Bộ máy đồng hồ của Nhà thờ cao khoảng 2,5m, dài khoảng 3m. Ảnh: Tư liệu BAVN

Hai tháp chuông chứa 6 quả chuông lớn, được chế tạo ở Pháp và chỉ vào đêm Giáng sinh mới cùng vang lên. Ảnh: Tư liệu BAVN
Toàn bộ thánh đường có 56 ô cửa kính màu do hãng Lorin của tỉnh Chartres Pháp sản xuất.
Ảnh: Tư liệu BAVN
Kiến trúc bên trong thánh đường tạo nên một hiệu ứng ánh sáng cho nội thất và một cảm giác thánh thiện. Ảnh: Tư liệu BAVN


Các em bé thích thú khi được tự tay cho bồ câu ăn, vuốt ve và tạo dáng chụp hình với những chú chim thân thiện. Ảnh: Nguyễn Luân.

Nhiều đôi trẻ chọn khu vực Công trường Công xã Paris làm nơi lưu giữ những tấm hình cưới của mình. Ảnh: Nguyễn Luân.


Đôi bạn trẻ lưu giữ lại những tấm hình kỉ niệm bên hông Nhà thờ Đức Bà. Ảnh: Nguyễn Luân.


Về đêm khu vực Công trường Công xã Paris càng trở nên nhộn nhịp, sinh động.Ảnh: Nguyễn Luân.


Du khách nước ngoài đến thăm Bưu điện trung tâm Sài Gòn, bên cạnh nhà thờ Đức Bà.

Ảnh: Nguyễn Luân.


Công viên 30/4 bên hông Nhà thờ Đức Bà trở thành địa điểm quen thuộc cho các hoạt động văn hóa thể thao của các bạn trẻ. Ảnh: Nguyễn Luân.

Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn (gọi tắt là Nhà thờ Đức Bà) năm nay vừa tròn 135 tuổi,
một trong những biểu tượng kiến trúc của Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Trọng Chính

Dự kiến vào cuối năm 2015, Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn sẽ được trùng tu nhiều hạng mục đã xuống cấp, hư hỏng như: mái ngói, 2 ngọn tháp, cột, kèo, rui mè, kính, các bức tường bị bôi bẩn phía ngoài…

Nội thất thánh đường được thiết kế thành một lòng chính, hai lòng phụ tiếp đến là hai dãy nhà nguyện với sức chứa khoảng 1.200 người. Lòng nhà thờ gồm ba gian và một hành lang quanh chánh điện. 56 ô cửa kiếng màu bao quanh lưng tường mô tả các nhân vật hay sự kiện trong Thánh kinh là một trong những nét độc đáo của nhà thờ.

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn là một trong hai nhà thờ tại Việt Nam được nâng lên hàng vương cung thánh đường nhân dịp thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam vào năm 1960. Từ đó, tên gọi chính thức của nhà thờ là Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài Gòn, nhưng tên gọi nhà thờ Đức Bà Sài Gòn đã trở thành thân thuộc của người dân nơi đây.

Ngày nay, nhà thờ Đức Bà Sài Gòn đã trở thành một trong những biểu tượng kiến trúc tiêu biểu của Thành phố Hồ Chí Minh. Không chỉ là nơi để người Công giáo đến làm lễ, cầu nguyện mà nơi đây còn là một địa chỉ du lịch cho du khách khi đến thăm Thành phố Hồ Chí Minh. Vào những sáng cuối tuần, khuôn viên nhỏ phía trước nhà thờ có tượng Đức Mẹ Hòa Bình cao 4,6m làm bằng đá cẩm thạch là nơi cầu nguyện tâm linh của nhiều giáo dân. Hàng trăm con bồ câu sà xuống xung quanh chân tượng thờ để tìm kiếm thức ăn từ những người hảo tâm đã nuôi chúng hơn mười năm nay. Bọn trẻ rất thích thú khi được tự tay cho bồ câu ăn, rồi vuốt ve và tạo dáng chụp hình với những chú chim thân thiện./.

Bài: Sơn Nghĩa – Ảnh: Nguyễn Luân, Trọng Chính và Tư liệu Báo ảnh Việt Nam

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu