Một trong những yêu cầu đổi mới để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ mới đó là tăng cường thảo luận, tranh luận để làm sáng tỏ và tìm giải pháp phù hợp cho những vấn đề được nêu. Tranh luận sẽ giúp cho việc xem xét, quyết định vấn đề được chính xác và tối ưu hơn. Tuy nhiên, để hiện thực được điều đó đòi hỏi rất nhiều yếu tố.
Những vấn đề được nêu lên tại mỗi kỳ họp Quốc hội thường đa dạng, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế – xã hội và phần lớn thường phức tạp. Mỗi vấn đề thường nhận được nhiều ý kiến khác nhau, với đa chiều lợi ích.
Vì thế, việc thảo luận, tranh luận, đánh giá và phân tích mỗi vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau sẽ giúp cho việc quyết định mang tính khách quan hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn và lợi ích chính đáng của cử tri.
Tranh luận thường xuất hiện trong mỗi phiên thảo luận và chất vấn tại Quốc hội, trong các phiên giải trình do các cơ quan của Quốc hội tổ chức. Nhìn lại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII cho thấy, những vấn đề trọng đại liên quan đến dự án, công trình quốc gia hay những quy định trong từng điều luật hoặc những bất cập trong quản lý nhà nước đều nhận được nhiều ý kiến nhận định sâu sắc, mổ xẻ để cân nhắc những điều thiệt hơn trước khi đại biểu Quốc hội quyết định.
Thực tiễn hoạt động cho thấy, tranh luận với sự cọ xát các quan điểm, các ý kiến khác nhau đã cho các quyết sách tại Quốc hội phù hợp hơn, thực chất hơn và thực quyền hơn. Vì thế, tranh luận cần là một phương thức đáng lưu tâm trong yêu cầu đổi mới chất lượng hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ mới
Theo ông Trần Quốc Tuấn, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, để tranh luận tại Quốc hội hiệu quả, trước hết phải lựa chọn vấn đề. Với thời lượng hạn chế tại kỳ họp, việc tập trung vào những vấn đề cụ thể, quan trọng sẽ giúp việc tranh luận, thảo luận đi đến cùng.
Ông Trần Quốc Tuấn cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi tổ chức chất vấn nên tổng hợp những vấn đề quan trọng nhất mà cử tri quan tâm để các Bộ trưởng tập trung trả lời trên hội trường. Những vấn đề nào không cần thiết thì không nên đề cập vì còn nhiều vấn đề cử tri quan tâm nhưng thời gian có hạn.
Tranh luận không phải là để khăng khăng bảo vệ chính kiến của mình, mà tranh luận giúp làm bật sáng những giải pháp phù hợp nhất. Tuy nhiên, chất lượng tranh luận, thảo luận tại Quốc hội phụ thuộc nhiều vào kỹ năng của từng đại biểu.
Nhìn lại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII cho thấy, vẫn còn tình trạng đại biểu cầm văn bản đọc từ đầu đến cuối, đại biểu nhắc lại những câu quen thuộc như “hoàn toàn đồng tình với báo cáo của Chính phủ”…Có thể nói, đó không phải là tranh luận hay thảo luận. Những bài phát biểu như thế làm mất thời gian và không giúp ích được nhiều để tìm giải pháp cho những vấn đề rất nóng được nêu lên.
Theo đại biểu Đỗ Văn Đương, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, một trong những đòi hỏi đầu tiên đối với đại biểu Quốc hội là kỹ năng nói.
Ông Đỗ Văn Đương cũng cho rằng, trước hội trường, đại biểu không được cầm giấy đọc. Đại biểu cầm giấy có thể gạch ý để tránh quên ý, nhưng nếu đọc từ đầu đến cuối thì dễ là đọc bài người khác, còn nếu tự nói ra thì phải suy nghĩ. Đại biểu phải hiểu vấn đề, không chỉ là nói gì, mà âm điệu, giọng nói, cử chỉ còn biểu lộ sự tận tụy của người đại biểu với công việc dân cử. Đại biểu phải lao động một cách tận tâm, tận lực thì mới nói được.
Muốn có ý kiến, lập luận sắc bén, thuyết phục trong tranh luận, đại biểu Quốc hội phải thu thập thông tin liên quan tới nội dung tranh luận. Thông tin có thể từ báo chí, các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội và các tổ chức khác. Thông tin đó có thể từ cử tri, qua đơn thư khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân, qua kết quả khảo sát, giám sát, điều trần của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội hoặc hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp.
Sau khi tổng hợp các thông tin cần thiết, đại biểu phải biết cách lựa chọn, lập luận, chuẩn bị nội dung các phương án để tranh luận, các ý kiến đối lập để có tính chủ động. Ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII cho rằng, bên cạnh việc có thông tin đầy đủ, đại biểu cũng cần có bản lĩnh để thể hiện và bảo vệ ý kiến đúng, vì lợi ích chung, vì quyền lợi hợp pháp của cử tri.
Để đi đến cùng những vấn đề được nêu lên tại Quốc hội, với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri, hoạt động nghị trường cần đổi mới mạnh mẽ, thực chất hơn nữa. Điều đó phụ thuộc vào việc phát huy tính dân chủ, công khai, tăng cường không khí tranh luận thẳng thắn, khách quan tại Quốc hội. Nhưng trước tiên, nó phụ thuộc vào chất lượng, năng lực, bản lĩnh của mỗi đại biểu, vào cơ chế thuận lợi và thực quyền để đại biểu phát huy đúng vai trò đại diện dân cử của mình./.
VOV-VN
Ý kiến ()