Chủ Nhật, 12/01/2025 06:45 (GMT +7)

Trẻ được chăm sóc tốt trong 1.000 ngày đầu đời sẽ phát triển toàn diện hơn

Thứ 6, 06/10/2017 | 16:13:00 [GMT +7] A  A

Theo các nghiên cứu, 1.000 ngày đầu đời là giai đoạn cửa sổ quan trọng, làm nền tảng cho sự phát triển toàn diện của trẻ trong 5 năm đầu tiên của cuộc đời và cả sau này.

Hội thảo Chăm sóc vì sự phát triển toàn diện của trẻ trong 1.000 ngày đầu đời: Từ nghiên cứu đến vận động chính sách.

Hiện trẻ em vẫn đang phải đối mặt với các yếu tố nguy cơ trong giai đoạn 1.000 ngày đầu đời như: Thiếu máu, thiếu sắt, thiếu i ốt, suy dinh dưỡng bào thai, nhẹ cân khi sinh, bạo hành gia đình, trầm cảm lo âu ở phụ nữ mang thai… mà chưa có chính sách hoặc hoặc chương trình can thiệp trên diện rộng nào nhằm giúp đỡ cộng đồng cải thiện điều kiện chăm sóc trẻ tốt hơn.

Đó là các ý kiến thảo luận tại hội thảo “Chăm sóc vì sự phát triển toàn diện của trẻ trong 1.000 ngày đầu đời: Từ nghiên cứu đến vận động chính sách” do Vụ Sức khoẻ bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) phối hợp với Trung Tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) và Đại học Monash Australia tổ chức ngày 5/10, tại Hà Nội.

Theo TS Trần Tuấn, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu và đào tạo Phát triển cộng đồng: “1.000 ngày đầu đời của trẻ được tính từ khi thai nghén trong bụng mẹ cho tới khi trẻ sinh nhật tròn 2 tuổi. Đây là giai đoạn não bộ phát triển nhanh nhất, đây cũng là giai đoạn “vàng” để có thể tác động đến trẻ một cách tích cực. Cụ thể, nếu được đầu tư chăm sóc tốt trong giai đoạn “vàng” này, trẻ sẽ được cải thiện được các khả năng lúc trưởng thành như: Thành tích học tập, mức sống, sức khỏe, khả năng hồi phục, khả năng quản lý cuộc sống… Đặc biệt có thể giúp trẻ thích nghi tốt hoặc vượt qua được những tác động tiêu cực từ cuộc sống”.

Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu tại tỉnh Hà Nam, có tới 80% phụ nữ bị thiếu i ốt, 17% thiếu máu do thiếu sắt, 19% từng bị bạo hành gia đình; tỉ lệ trẻ sinh thiếu tháng là 14%… Đây là những con số rất đáng quan tâm, vì sức khỏe người phụ nữ khi mang thai có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ.

Nhằm phổ biến và nâng cao năng lực chăm sóc trẻ em trong giai đoạn 1.000 ngày đầu đời trong cộng đồng, mô hình Câu lạc bộ Học tập cộng đồng vì sự phát triển toàn diện của trẻ đã ra đời nhằm cải thiện chỉ số phát triển của trẻ em nông thôn Việt Nam thông qua chương trình đào tạo tại cộng đồng. Đồng thời, dự án này cũng hướng đến thay đổi hành vi của bố mẹ trẻ và các thành viên trong gia đình theo hướng “tăng yếu tố tích cực, giảm yếu tố tiêu cực” trong chăm sóc phụ nữ mang thai và chăm sóc, nuôi dạy trẻ phát triển toàn diện trong 1000 ngày đầu đời.

Dự án này được triển khai từ năm 2014 tại 3 xã của tỉnh Hà Nam với các nội dung chính là: Hướng dẫn chăm sóc thai nghén; sức khỏe tâm trí phụ nữ mang thai và sau sinh; chăm sóc trẻ sơ sinh, trẻ bệnh; kích thích sự phát triển của trẻ…

Đến nay, mô hình câu lạc bộ này đã đạt được một số kế quả như: Đã có 2039 lượt người tham gia câu lạc bộ; tổ chức được 72 buổi sinh hoạt câu lạc bộ… giảm tỷ lệ trầm cảm lo âu ở bà mẹ mang thai từ hơn 11,1% xuống còn 6,2%; hơn 70% bà mẹ biết mát- xa cho trẻ giai đoạn 2- 6 tháng tuổi, 88% người cha dành thời gian tối thiểu 10 phút mỗi tối để chơi với con…

Thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục triển khai và mở rộng phạm vi nhằm phổ biến các kiến thức chăm sóc trẻ trong giai đoạn 1.000 ngày đầu đời hướng tới sự phát triển toàn diện cho thế hệ tương lai.

TN/Báo Tin Tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu