Thứ Bảy, 11/01/2025 14:53 (GMT +7)

Trẻ sẽ gặp những nguy cơ gì nếu không được tiêm chủng đầy đủ?

Thứ 6, 31/03/2017 | 17:05:00 [GMT +7] A  A

Theo Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ đã xếp tiêm chủng mở rộng đứng thứ 4 trong 10 thành tựu lớn nhất về y tế công cộng của thế kỷ 20. Mỗi năm, vắc xin ngăn ngừa được 2,5 triệu trường hợp trẻ tử vong trên toàn cầu.

Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh (Sở Y tế TP Hồ Chí Minh), để đảm bảo con cái khỏe mạnh và tránh được những bệnh có thể ngăn ngừa được thì chủng ngừa là cách tốt nhất. Tiêm chủng làm cho hệ miễn dịch của trẻ có khả năng chống lại bệnh trước khi mầm bệnh có cơ hội phát triển và gây bệnh cho trẻ.

Nếu trẻ không được chủng ngừa, không chỉ ảnh hưởng đến bản thân sức khỏe tương lai của trẻ mà còn cả kinh tế gia đình như chi phí điều trị, ngày công chăm sóc trẻ bệnh, tinh thần… và ảnh hưởng đến toàn xã hội. Khi bị bệnh trẻ có thể lây bệnh sang những người khác chưa được chủng ngừa hoặc tiêm chủng không đầy đủ như những trẻ còn quá nhỏ để được chủng ngừa hoặc những người bị suy yếu miễn dịch như người nhận ghép tạng và những người bị ung thư… Điều này có thể dẫn đến các biến chứng dài hạn và thậm chí tử vong cho những người dễ bị tổn thương này.

Trẻ được tiêm chủng đẩy đủ sẽ tránh được rất nhiều bệnh tật nguy hiểm.

Theo Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, nhờ có vắc xin mà thế giới đã thanh toán được bệnh đậu mùa. Bệnh bại liệt hiện chỉ còn lưu hành ở 4 nước, số trẻ chết vì bệnh sởi năm 2008 giảm 78% so với năm 2000 (từ 750.000 ca xuống còn 164.000 ca tử vong/mỗi năm), số trẻ chết vì viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não do Hib hàng năm giảm đi 2,5 triệu trẻ sau khi nhiều nước triển khai đưa vắc xin viêm gan B và Hib vào chương trình tiêm chủng mở rộng sau năm 2000.

“Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch, không chỉ bảo vệ sức khỏe của cá nhân người được tiêm chủng, gia đình người thân xung quanh mà còn cả toàn cộng đồng“, bác sĩ Dũng cho hay.

Bên cạnh đó bác sĩ Nguyễn Trí Dũng cũng cho biết, dù tiêm phòng đã giúp làm giảm mạnh số ca mắc các bệnh nguy hiểm, lây nhiễm cao nhưng các loại bệnh có thể phòng ngừa được như bệnh sởi, bạch hầu, ho gà… vẫn còn là mối đe dọa.

Hàng năm vẫn có trẻ mắc các bệnh có vắc xin phòng, phải nhập viện, bị biến chứng hoặc thậm chí là tử vong. Sự bùng phát các bệnh có thể phòng ngừa được, xảy ra khi nhiều bậc cha mẹ bỏ qua cơ hội hoặc duy trì tiêm chủng không đầy đủ, đúng lịch cho con mình.

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố có khoảng 120.000 trẻ dưới một tuổi. Số trẻ được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin (phòng bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi, VGB, Hib) 113.677 trẻ, đạt 94,7%.

Đan Phương/ Báo Tin Tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu