Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 21/01/2025 08:23 (GMT +7)
Trên 70% hàng hóa tại siêu thị là hàng Việt
Thứ 4, 27/12/2017 | 15:20:00 [GMT +7] A A
Đại diện Bộ Công Thương khẳng định không có chuyện hàng ngoại lấn át hàng Việt trong các hệ thống siêu thị. Hàng Việt ngày càng có chỗ đứng vững chắc tại thị trường nội địa.
Tại hội thảo Nâng cao năng lực cạnh tranh thương hiệu Việt trong hội nhập quốc tế do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Công Thương tổ chức sáng 27/12, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết: Tỷ lệ hàng Việt Nam tại các hệ thống siêu thị đã lên đến hơn 70%. Tại một số siêu thị lớn như Big C, Coopmart, tỷ lệ hàng Việt chiếm trên 90%.
Hàng Việt chiếm tỷ lệ cao tại siêu thị Big C Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
“Có được kết quả này là nhờ chúng ta đã triển khai có hiệu quả đề án phát triển thị trường trong nước, gắn với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Hiện đã thiết lập được hơn 90 điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi Tự hào hàng Việt Nam tại 52 địa phương trên cả nước”, bà Nga cho hay.
Bộ Công Thương cũng đã chủ động kết nối cung cầu nhằm hỗ trợ tiêu thụ các loại nông sản như dưa hấu, vải thiều, hành tím, na, thanh long… tại các hệ thống phân phối lớn như Hapro, Coopmart, Lotte, Big C…
Đại diện Big C cũng xác nhận thông tin hàng Việt chiếm đến 90% tại hệ thống siêu thị của hãng này. Mặc dù Big C Việt Nam đã bị Tập đoàn Central Group của Thái Lan mua lại nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc hàng Việt bị đẩy ra và thay thế bởi hàng Thái.
Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc siêu thị Big C Thăng Long cho biết, Big C luôn khuyến khích và tạo điều kiện để hàng hóa, nông sản Việt Nam vào hệ thống. Đồng thời, xuất khẩu nông sản Việt sang Thái Lan như vải thiều.
“Tuy nhiên, trong quá trình hỗ trợ xuất khẩu nông sản Việt Nam, chúng tôi thấy rằng các sản phẩm Việt Nam dù có chất lượng và hương vị hấp dẫn nhưng còn yếu vì chưa xây dựng được thương hiệu, hình ảnh bao bì chưa bắt mắt. Đặc biệt là công tác sơ chế, bảo quản sau thu hoạch còn chưa đáp ứng được yêu cầu”, ông Dũng cho hay.
Về lâu dài, để kết nối cung cầu tốt hơn, bà Lê Việt Nga đề nghị doanh nghiệp sản xuất cần chú trọng cập nhật thông tin đầu tư, nâng cấp dịch vụ, chất lượng, mẫu mã để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Doanh nghiệp phân phối cần có chính sách ưu tiên hàng hóa sản xuất trong nước, chủ động hỗ trợ doanh nghiệp, hộ nông dân trong sản xuất hàng hóa đạt tiêu chuẩn trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Ý kiến ()