Thứ Tư, 22/01/2025 14:44 (GMT +7)

Trên 8% tổng đàn lợn cả nước đã bị tiêu hủy vì dịch tả châu Phi

Thứ 5, 11/07/2019 | 10:15:00 [GMT +7] A  A

Theo con số cập nhật mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 8/7, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 5.422 xã của 62 tỉnh, thành phố với hơn 2,8 triệu con lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy, chiếm trên 8% tổng số lợn của cả nước.

Chú thích ảnh

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Ảnh: L.S

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại, sáng 11/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) hội nghị bàn về các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.

Đến thời điểm hiện tại, Ninh Thuận là tỉnh duy nhất chưa bị dịch tả lợn châu Phi tấn công.

Bộ NN&PTNT triển khai các giải pháp tổng hợp phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trong giai đoạn đầu dịch tả lợn châu Phi đã được ghi nhận lây lan tại 62 tỉnh, thành phố, chủ yếu phát sinh trong phạm vi nhỏ lẻ. Đến nay, đã có 733 xã, thuộc 202 huyện của 40 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, dịch tả lợn châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp và khó kiểm soát. Trong đó đáng chú ý là ở 106 xã thuộc 22 tỉnh, thành phố có các ổ dịch đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh trở lại các ổ dịch mới.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, công tác ứng phó với dịch thời gian qua vẫn tồn tại nhiều vướng mắc. Có tỉnh ngân sách dự phòng không thể đáp ứng được một phần cho công tác hỗ trợ tiêu hủy. Mặc dù đã có nhiều văn bản chỉ đạo cụ thể của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng và Bộ NN&PTNT, đã có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị nhiều địa phương, tuy nhiên, thiệt hại do DTLCP là vô cùng nặng nề, chỉ còn duy nhất 1 tỉnh trên cả nước chưa có dịch, với 2,8 triệu con lợn đã bị tiêu hủy, không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho người dân mà còn là gánh nặng kinh phí hỗ trợ tiêu hủy. Nguy hiểm hơn đến nay, dịch vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Cục Thú y nhận định: Trong thời gian tới, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi tiếp tục phát sinh và lây lan theo 3 hướng sau: Dịch bệnh dễ dàng phát tán, lây lan nhanh và lan tỏa đến các địa bàn (cấp xã, huyện) chưa có dịch; tái phát các ổ dịch cũ qua 30 ngày; dịch bệnh xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi lợn tập trung, quy mô lớn.

Ngày 9/7, Chi cục Thú y tỉnh Bến Tre cho biết, trên địa bàn tỉnh Bến tre xuất hiện thêm hai ổ dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng không nên quá sợ hãi trước diễn biến dịch tả lợn châu Phi, nếu được tổ chức phòng chống bài bản. Trong đó, vũ khí duy nhất vẫn đang là chăn nuôi an toàn sinh học, lấy phòng bệnh là chính. Bằng chứng đa số hộ chăn nuôi lớn, áp dụng quy trình an toàn sinh học hầu hết không bị dịch tả lợn châu Phi tấn công. Chăn nuôi an toàn sinh học cũng là hướng đi bền vững, lâu dài cho cả ngành chăn nuôi, chứ không chỉ đối với chăn nuôi lợn.

An toàn sinh học được xem là biện pháp hữu hiệu để phòng dịch tả lợn châu Phi hiện nay. Theo đó, Bộ NN&PTNT đã huy động doanh nghiệp chăn nuôi lợn, trung tâm lưu giữ giống triển khai các biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn giống. Bộ cũng chỉ đạo và tổ chức xây dựng được 821 vùng, cơ sở chăn nuôi lợn an toàn.

Bộ NN&PTNT cũng cho biết, việc chủ động nghiên cứu vắc xin đến nay đã có kết quả bước đầu. Học viện Nông nghiệp Việt Nam vừa thông báo kết quả thử nghiệm có khả quan của vắc xin vô hoạt phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Là bệnh dịch nguy hiểm trên lợn, chưa có thuốc điều trị và vắc xin phòng bệnh; vi rút tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền đa dạng, khó kiểm soát trong khi chăn nuôi hộ gia đình, nhỏ lẻ rất cao đại diện Bộ NN&PTNT chia sẻ, trong phòng chống dịch cần đặc biệt lưu ý đến những hướng lây truyền của dịch tả lợn châu Phi nhất là ở cấp xã, huyện chưa có dịch; nguy cơ tái phát các ổ dịch cũ qua 30 ngày, dịch xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi lợn tập trung. Vì vậy, phải rà soát lại và hoàn chỉnh các phương án phòng, chống dịch ở các cấp độ khác nhau, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, theo đúng quy định của Luật thú y. Tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học; đẩy mạnh xây dựng các vùng, chuỗi chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, cũng như đề nghị các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi.
Theo Lê Sơn/Báo Tin tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu