Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 08/01/2025 00:54 (GMT +7)
Triển lãm chuyên đề về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa
Thứ 4, 22/11/2017 | 09:51:00 [GMT +7] A A
Kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức các hoạt động trưng bày di sản, triển lãm chuyên đề về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa…
Các đại biểu tham quan trưng bày Di sản văn hóa thời Lý – Trần. |
Hải Dương trưng bày nhiều cổ vật, di sản văn hóa thời Lý – Trần
Ngày 21/11, tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương tổ chức trưng bày Di sản văn hóa thời Lý – Trần qua hệ thống di tích và phát triển khảo cổ học trên đất Hải Dương.
Trưng bày chuyên đề được chia thành hai nội dung: Giới thiệu di tích, nhân vật thời Lý-Trần trên đất Hải Dương và trưng bày cổ vật, những phát hiện khảo cổ học từ thế kỷ XI – XIV tại Hải Dương. Đặc biệt, Ban Tổ chức đã giới thiệu tới công chúng gần 300 hiện vật, hình ảnh được sưu tầm, khai quật, nghiên cứu bảo quản trong nhiều năm qua.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương, hoạt động trưng bày diễn ra đến ngày 5/12, nhằm khởi dậy lòng tự hào dân tộc, góp phần nâng cao ý thức bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Hải Dương là vùng đất có nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa. Nơi đây được coi là mảnh đất địa linh nhân kiệt, có vị trí chiến lược và từng diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
Đến nay, Hải Dương vẫn bảo tồn, lưu giữ được nhiều giá trị di sản vật thể và phi vật thể đặc sắc với trên 2.000 di tích, hơn 700 lễ hội truyền thống, hàng trăm nghề cổ truyền…Đặc biệt trên địa bàn tỉnh có hệ thống di sản văn hóa thời Lý – Trần với hơn 220 di tích được khởi dựng hoặc thờ các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử; trong đó 93 di tích liên quan đến thời Lý, 127 di tích liên quan đến thời Trần. Những di tích đó là nơi thờ các nhân vật nổi tiếng hoặc địa điểm ghi dấu ấn sự kiện lịch sử trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược như: Phòng tuyến chống Tống (thế kỷ XI), phòng tuyến Vạn Kiếp với cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông (thế kỷ XIII); các địa danh gắn liền với tên tuổi của các bậc vĩ nhân như: Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, An Sinh Vương Trần Liễu, Chu Văn An, Trần Nguyên Đán, Mạc Đĩnh Chi…; nơi thuyết pháp giảng đạo của 3 vị tổ thiền phái Trúc Lâm ở chùa Côn Sơn (Chí Linh), chùa Thanh Mai (Chí Linh), Hào Xá (Thanh Hà), Minh Khánh (Thanh Hà)…
Hà Nam bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nghi lễ chầu văn của người Việt
Ngày 21/11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam tổ chức khai mạc Trưng bày chuyên đề “Nghi lễ chầu văn của người Việt ở Hà Nam”.
Khách tham quan trưng bày. |
Trưng bày chuyên đề “Nghi lễ chầu văn của người Việt ở Hà Nam” gồm ba chủ đề: Nghi lễ chầu văn – không gian văn hóa thiêng; nghi lễ chầu văn – hành trình tâm linh; nghi lễ chầu văn – phát huy và lan tỏa. Hàng nghìn hình ảnh, tài liệu và hiện vật được sưu tầm, chắt lọc từ 185 di tích trong hệ thống thờ Mẫu Tứ phủ và Đức Thánh Trần tại các địa phương trong tỉnh Hà Nam đã được giới thiệu.
Trưng bày được tổ chức nhằm tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của công chúng và khách du lịch trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; đồng thời tôn vinh các cá nhân, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.
Nghi lễ chầu văn là một thành tố đặc biệt của tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ. Trong nghi lễ chầu văn, các hình thức biểu đạt, động tác múa, âm nhạc và lời hát văn đều mang dấu ấn lịch sử, ghi lại sự tích, ca ngợi công đức những nhân vật lịch sử có công với dân, với nước. Cùng với nghi lễ chầu văn, các hình thức sinh hoạt, tế lễ trong lễ hội còn là dịp để con người tỏ lòng tôn kính, biết ơn và ghi nhớ công lao che chở của các Mẫu, vị anh hùng dân tộc; qua đó, góp phần khơi dậy đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây. Đây là nét đẹp đã tạo nên sự đa dạng và phong phú của nền văn hóa Việt Nam nói chung và sự hình thành cốt cách văn hóa Hà Nam nói riêng; đồng thời là niềm tự hào của mỗi người dân Hà Nam trong tiến trình phát triển, hội nhập.
Nhân dịp này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam đã trao Giấy chứng nhận cho các cá nhân đã hiến tặng tư liệu, hiện vật cho Bảo tàng tỉnh Hà Nam.
Trao giải Cuộc thi ảnh Di sản Việt Nam 2017
Sau 5 tháng phát động, với hơn 3.400 tác phẩm gửi về tham dự Cuộc thi ảnh Di sản Việt Nam 2017, Ban Tổ chức đã bình chọn 16 tác phẩm ảnh xuất sắc nhất của các tác giả đến từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Các tác phẩm nhiếp ảnh gửi về dự thi đã thể hiện sự phong phú, đa dạng của di sản văn hóa, cuộc sống con người Việt Nam; đồng thời, thể hiện được tình yêu của các nghệ sĩ nhiếp ảnh đối với quê hương, đất nước.
Ngày 21/11, phát biểu tại Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi ảnh Di sản Việt Nam 2017, ông Hoàng Trung Thủy, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cuộc thi cho biết, các tác phẩm tham dự cuộc thi năm nay đã bám sát nội dung Ban Tổ chức đề ra, diễn đạt bằng hình thức ảnh “bắt mắt”, thể hiện sự tìm tòi công phu, phong cách chụp ảnh chắc tay. Riêng ở chủ đề ảnh đặc sắc nhất năm nay là “Đời sống”, nhiều tác giả đã miêu tả được sự đa dạng độc đáo của cuộc sống. Nhiều tác phẩm có góc máy táo bạo, có những phát hiện tốt, thú vị. Ở phần chủ đề ảnh “Chợ”, mặc dù là đề tài khó nhưng các tác giả cũng thể hiện rõ nét bản sắc, tính đặc trưng của văn hóa chợ, tô đậm chất di sản với nhiều hình thức chợ trên khắp các vùng miền đất nước.
Trao giải Nhất cho tác giả Hà Văn Đông (giữa) với tác phẩm “Xóm chài Đầm Chuồn”. |
Theo đó, ba giải Nhất của cuộc thi đã thuộc về các tác phẩm, tác giả: “Kể chuyện ghe Ngo trăm tuổi” (Đinh Công Tâm); “Xóm chai Đầm Chuồn” (Hà Văn Đông); “Về đích”(Ngô Minh Phương). Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao ba giải Nhì, ba giải Ba và 7 giải Khuyến khích cho các tác giả chuyên và không chuyên đến từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Cuộc thi ảnh Di sản Việt Nam 2017 là cuộc thi lần thứ 6 do Tạp chí Vietnam Heritage tổ chức thường niên, nhằm tìm kiếm những câu chuyện bằng hình ảnh về thiên nhiên và văn hóa Việt Nam, kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng trong và ngoài nước phát hiện và chia sẻ những giá trị di sản thiên nhiên và văn hóa Việt Nam.
Cuộc thi năm nay tập trung vào 5 chủ đề: Thiên nhiên, văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể, đời sống, chợ. Ảnh dự thi được chia thành hai thể loại: ảnh đơn và ảnh bộ. Với chủ đề và thể loại phong phú đa dạng, các nhiếp ảnh gia chuyên và không chuyên đã có cơ hội tái hiện nét đẹp đất nước, con người Việt dưới nhiều góc nhìn độc đáo và đặc sắc.
Dịp này, Ban Tổ chức đã trao 100 tác phẩm ảnh triển lãm cho chương trình từ thiện phát triển cộng đồng Nhà chống lũ để tiếp tục tổ chức bán đấu giá gây quỹ ủng hộ việc xây nhà và hoạt động chăn nuôi của người dân ở các khu vực chịu ảnh hưởng bão lũ nặng nề.
Cùng ngày, Triển lãm 100 tác phẩm xuất sắc nhất của cuộc thi đã được khai mạc tại Trung tâm triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Hà Nội). Sau đó, ngày 22 – 23/11, các tác phẩm này sẽ được trưng bày tại Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh và Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, nhằm quảng bá nét đẹp quê hương Việt Nam đến cộng đồng.
Tin, ảnh: Gia Thuận- Hiền Anh- Thanh Tuấn (TTXVN)
Ý kiến ()