Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 20/01/2025 19:01 (GMT +7)
Triển vọng mới trong hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc
Thứ 5, 09/11/2017 | 16:56:00 [GMT +7] A A
Trước thềm chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam và dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2017 của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh đã phỏng vấn Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi về chuyến thăm trên.
Về ý nghĩa của chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam và dự Hội nghị Cấp cao APEC của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Đại sứ Đặng Minh Khôi cho hay, nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam và tham dự Hội nghị Cấp cao lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC lần thứ 25 tại Đà Nẵng (Việt Nam) từ ngày 10 đến 13/11/2017.
Đại sứ Đặng Minh Khôi (bên trái) trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN. Ảnh: Lương Anh Tuấn/Pv TTXVN tại Trung Quốc |
Đây là chuyến thăm nước ngoài và tham dự hội nghị cấp cao đa phương đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIX Đảng Cộng sản (Đại hội XIX), thể hiện sự coi trọng của Đảng và Nhà nước Trung Quốc cũng như cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối với quan hệ Việt Nam – Trung Quốc cũng như sự ủng hộ Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao APEC 2017.
Đại hội Đảng XIX là sự kiện chính trị, xã hội lớn của Trung Quốc, có ý nghĩa quan trọng đối với định hướng phát triển của Trung Quốc trong nhiều năm tới. Ngay sau Đại hội, Trung Quốc đã cử đồng chí Tống Đào, Trưởng ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đặc phái viên của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam, thông báo về những nội dung cơ bản của Đại hội XIX, những chủ trương, định hướng lớn phát triển Trung Quốc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa; nhấn mạnh Đại hội XIX là sự kiện trọng đại của Đảng và nhân dân Trung Quốc, mở ra giai đoạn phát triển mới đầy hứa hẹn của đất nước Trung Quốc.
Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cũng đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam, trao đổi về các vấn đề trong quan hệ song phương, chuẩn bị cho chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Cả Trưởng ban Liên lạc Đối ngoại, Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tập Cận Bình và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đều khẳng định Đảng, Nhà nước, nhân dân Trung Quốc và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình coi trọng cao độ phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với Việt Nam, mong muốn hai bên tăng cường trao đổi chiến lược, tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, đưa quan hệ Việt-Trung trong giai đoạn mới phát triển ổn định, đi vào chiều sâu; bày tỏ Trung Quốc tích cực ủng hộ Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao APEC, hy vọng qua chuyến thăm để trao đổi chiến lược, tăng cường sự tin cậy chính trị, thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển lên tầm cao mới.
Trong các cuộc tiếp xúc, lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã chúc mừng Đại hội XIX thành công tốt đẹp; khẳng định Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng và chân thành mong muốn phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc; ủng hộ Trung Quốc tiếp tục phát triển, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới.
Liên quan tới chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã chuẩn bị ở mức tốt nhất để chuyến thăm diễn ra thành công tốt đẹp và đạt nhiều kết quả thiết thực, trong đó có việc ký kết các văn kiện, thỏa thuận song phương quan trọng.
Là hai nước láng giềng có chung đường biên giới, tương đồng về thể chế chính trị và gần gũi về văn hóa, xã hội, kế thừa mối quan hệ hữu nghị hợp tác truyền thống do các thế hệ cách mạng tiền bối vun đắp, Việt Nam sẽ dành cho Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sự tiếp đón hết sức trọng thị, thể hiện đặc thù của quan hệ Việt Nam-Trung Quốc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ có các cuộc hội đàm, hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trao đổi về phương hướng lớn phát triển cho quan hệ hai Đảng, hai nước trong giai đoạn tiếp theo, thúc đẩy hợp tác thực chất trên tất cả các lĩnh vực, tăng cường tin cậy chính trị, trao đổi các giải pháp đưa quan hệ hai nước không ngừng phát triển cũng như xử lý thỏa đáng các vấn đề tồn tại trong quan hệ song phương; phối hợp thực hiện tốt các nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước.
Chuyến thăm này sẽ góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam-Trung Quốc; củng cố truyền thống giao lưu lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước; triển khai hiệu quả các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, góp phần định hướng và dẫn dắt quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc lên một tầm cao mới, tạo nền tảng thuận lợi cho quan hệ hai nước phát triển ổn định, lành mạnh, đồng thời đóng góp tích cực cho hợp tác trong khuôn khổ châu Á – Thái Bình Dương.
Với vai trò là chủ nhà APEC 2017, Việt Nam vui mừng đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự Hội nghị Cấp cao APEC với tư cách lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và có nhiều đóng góp quan trọng trong APEC. Hội nghị Cấp cao APEC 2017 diễn ra trong bối cảnh toàn cầu hóa là xu thế tất yếu và không thể đảo ngược, nhưng sự hoài nghi về toàn cầu hóa và lợi ích của thương mại tự do đang nổi lên ở một số nơi trên thế giới. Trong bối cảnh mới với nhiều thách thức, Việt Nam mong muốn các thành viên, trong đó có Trung Quốc, trao đổi, thảo luận các biện pháp nhằm duy trì đà hợp tác và liên kết của Diễn đàn, thể hiện vai trò của APEC trong xử lý các thách thức của thế giới và khu vực, chia sẻ tầm nhìn về việc chung tay xây dựng một cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, năng động, bao trùm, tự cường, kết nối và liên kết toàn diện, tạo cơ hội và sự tham gia bình đẳng, mang lại lợi ích thiết thực cho tất cả người dân và doanh nghiệp.
Chủ nhà APEC Việt Nam 2017 đã mời Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với tư cách lãnh đạo nền kinh tế Trung Quốc phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC, Đối thoại không chính thức lãnh đạo APEC-ASEAN, phát biểu tại các phiên họp Lãnh đạo các nền kinh tế APEC, chia sẻ quan điểm của Trung Quốc về vấn đề toàn cầu hóa, thể chế thương mại đa phương, tiến trình liên kết kinh tế, xây dựng khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương, là những chủ đề dư luận APEC hết sức quan tâm.
Trong khuôn khổ các hoạt động của Tuần lễ Cấp cao APEC, cùng với hàng nghìn lãnh đạo tập đoàn của các nền kinh tế thành viên, 300 đại diện doanh nghiệp Trung Quốc, trong đó có những công ty hàng đầu thế giới, có lãnh đạo Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2017. Sự tham gia đông đảo này cho thấy quy mô nền kinh tế thành viên lớn thứ hai trong APEC của Trung Quốc cũng như sự quan tâm của doanh nhân Trung Quốc đối với cơ hội hợp tác kinh doanh và triển vọng đầu tư tại Việt Nam nói riêng, trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung.
Về sự phát triển của quan hệ Việt Nam-Trung Quốc thời gian qua cũng như triển vọng quan hệ hợp tác Việt Nam – Trung Quốc trong giai đoạn mới, đặc biệt là về hợp tác kinh tế, thương mại, Đại sứ Đặng Minh Khôi cho hay, thời gian qua, với quyết tâm và nỗ lực chung của Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước, quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước không ngừng được tăng cường, củng cố và đạt được nhiều tiến triển quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Điểm sáng trong quan hệ chính trị giữa hai nước là các cuộc giao lưu và tiếp xúc cấp cao được duy trì thường xuyên với nhiều hình thức phong phú, có vai trò hết sức quan trọng định hướng quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Các cơ chế trao đổi, giao lưu và hợp tác giữa hai nước không ngừng được hoàn thiện và bổ sung với gần 50 cơ chế hợp tác do các bộ, ngành, địa phương chủ trì, bao trùm tất cả các lĩnh vực tài chính tiền tệ, thương mại, đầu tư, giao thông vận tải, giáo dục đào tạo, khoa học, kỹ thuật, giao lưu nhân dân.
Năm 2015, lần đầu tiên trong cùng một năm, hai Tổng Bí thư hai Đảng đã có các chuyến thăm lẫn nhau. Năm 2017 cũng là năm hết sức đặc biệt đối với quan hệ Việt Nam-Trung Quốc. Từ đầu năm 2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc; tháng 5/2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã thăm cấp Nhà nước và tham dự Diễn đàn hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Ngay trong năm 2017, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã sớm khẳng định tham dự Hội nghị cấp cao APEC và thăm cấp nhà nước tới Việt Nam.
Quan hệ hợp tác kinh tế – thương mại giữa hai nước đạt nhiều kết quả tích cực. Từ năm 2016, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong các nước ASEAN (98 tỷ USD theo thống kê của Trung Quốc) và đứng thứ tám trong số các đối tác thương mại của Trung Quốc trên toàn thế giới, với tốc độ tăng trưởng thương mại song phương thuộc hàng cao nhất trong số các đối tác thương mại của Trung Quốc. Theo thống kê của Trung Quốc, trong các tháng 1-9/2017, tổng kim ngạch thương mại Việt – Trung đạt 82,4 tỷ USD, tăng 20,6%; trong đó Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam đạt 49,8 tỷ USD, tăng 16%, đồng thời Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam đạt 32,5 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ 2016. Dự kiến, năm 2017, kim ngạch thương mại song phương sẽ đạt hơn 100 tỷ USD, tương đương kim ngạch thương mại giữa hai bên đạt 300 triệu USD/ngày, một con số rất lớn.
Về đầu tư nước ngoài, Trung Quốc đứng hàng thứ tám trong số 126 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, và kể từ đầu năm 2017 có xu hướng tăng nhanh. Tính đến tháng 9/2017, Trung Quốc có 1.747 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng số vốn hơn 11,9 tỷ USD đầu tư tại Việt Nam. Riêng trong thời gian từ tháng Một đến tháng 9/017, Trung Quốc có 195 dự án FDI mới, với tổng vốn đăng ký là 1,73 tỷ USD, đứng thứ tư trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
Quan hệ giao lưu nhân dân và hợp tác du lịch cũng tiến triển tốt. Hàng tuần có hơn 120 chuyến bay qua lại giữa hai nước. Năm 2016, có 2,7 triệu lượt khách Trung Quốc sang Việt Nam. Trong các nước ASEAN, Việt Nam là điểm đến lớn thứ hai của khách du lịch Trung Quốc, sau Thái Lan; có 2,2 triệu lượt người Việt Nam đi Trung Quốc, đứng đầu trong các nước ASEAN. Hiện nay, hai nước đều đang ở trong thời kỳ quan trọng phát triển kinh tế-xã hội; trong bối cảnh hội nhập và liên kết kinh tế khu vực diễn ra mạnh mẽ, sự phát triển của Trung Quốc là cơ hội phát triển quan trọng của Việt Nam và ngược lại.
Đại sứ Đặng Minh Khôi hy vọng rằng quan hệ Việt Nam – Trung Quốc sẽ tiếp tục có các bước phát triển mới, sâu sắc và hiệu quả hơn, làm sâu sắc thêm giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực; đẩy mạnh giao lưu, hợp tác giữa hai Đảng, hai Nhà nước; phát huy hơn nữa vai trò của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc trong việc điều phối tổng thể quan hệ hai nước; tăng cường các cơ chế hợp tác trong các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật; tăng cường hợp tác thực chất về kinh tế, thương mại và đầu tư; thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển giữa Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc với “Hai hành lang và Một vành đai kinh tế” của Việt Nam; hợp tác về năng lực sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng; hợp tác trong phát triển kinh tế sáng tạo, trong đó có thương mại điện tử; hợp tác giữa các địa phương biên giới, thúc đẩy giao lưu văn hóa, giáo dục, du lịch, gắn kết mật thiết giữa nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ, tăng cường hiểu biết và tình cảm hữu nghị, hợp tác giữa hai bên.
Việt Nam mong muốn thông qua các khuôn khổ hợp tác, hai bên có thể phối hợp, áp dụng các biện pháp hữu hiệu nhằm cân bằng thương mại, mở rộng đầu tư, thúc đẩy quan hệ kinh tế – thương mại song phương phát triển ổn định, bền vững, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh; tăng cường hợp tác tài chính tiền tệ, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn vốn của AIIB, các quỹ tài chính trong khuôn khổ “Vành đai và Con đường“ và các khuôn khổ hợp tác khác, là một hướng quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước mang lại lợi ích phát triển thiết thực cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Tiền đề quan trọng cho quan hệ Việt Nam – Trung Quốc phát triển ổn định, lành mạnh lâu dài chính là việc triển khai hiệu quả các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước, quản lý tốt các khác biệt, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông; tích cực thúc đẩy các cơ chế đàm phán có tiến triển thực chất, tăng cường tin cậy lẫn nhau, tạo cơ sở giải quyết các vấn đề phức tạp hơn, thông qua đàm phán hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và các thỏa thuận chung trong khu vực.
Đại sứ Đặng Minh Khôi hy vọng rằng những tiến triển tích cực trong quan hệ hai nước thời gian qua và thành công của chuyến thăm Việt Nam và dự Hội nghị cấp cao APEC 2017 của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ góp phần đưa quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam – Trung Quốc phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, vì lợi ích của nhân dân hai nước cũng như vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Ý kiến ()