Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 13/01/2025 09:51 (GMT +7)
Trợ lực cho tàu cá vươn khơi
Thứ 3, 31/05/2022 | 10:25:23 [GMT +7] A A
Nghị định số 67/2014/NĐ-CP (viết tắt là Nghị định 67) về một số chính sách phát triển thủy sản được Chính phủ ban hành tháng 7/2014 đã hỗ trợ toàn diện cho ngành thủy sản nước ta hướng tới xây dựng một đội tàu đánh bắt xa bờ hiện đại, vừa phát triển kinh tế biển, vừa hỗ trợ, động viên ngư dân vươn khơi, bám biển sản xuất, khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Sau gần tám năm triển khai thực hiện, các chính sách của Nghị định 67 đã phát huy hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo ngư dân. Mục tiêu hiện đại hóa tàu cá bước đầu đã đạt được, số lượng tàu khai thác gần bờ giảm 13,2%, lượng tàu cá khai thác xa bờ tăng hơn 20%. Nghị định 67 góp phần đầu tư, nâng cấp hàng chục cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, các dự án hạ tầng sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản…
Tuy vậy, quá trình thực hiện Nghị định 67 cũng bộc lộ nhiều bất cập như vốn vay lưu động cho ngư dân có mức lãi suất tương đối cao, trong khi cơ chế cho vay, thủ tục phê duyệt qua nhiều cấp, phương thức cho vay không thuận lợi cho ngư dân. Chính sách bảo hiểm mới chỉ đáp ứng được 62% số tàu cá xa bờ và 56% ngư dân. Việc đóng mới, bảo dưỡng đội tàu vỏ thép gặp nhiều khó khăn như nhiều tàu hư hỏng; chủ của 65% tàu cá vỏ thép không duy tu, bảo dưỡng tàu theo quy trình…
Tại một số địa phương, việc phê duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới cho một số trường hợp chưa đúng, chủ tàu không am hiểu về nghề. Một số chủ tàu không đủ năng lực để quản lý, vận hành, khai thác tàu mới đóng quy mô lớn, hiện đại, tàu hoạt động hiệu quả thấp. Một số ngư dân cho rằng, đây là chính sách hỗ trợ bằng nguồn vốn của Nhà nước mà chưa hiểu đây là nguồn vốn ngư dân vay của ngân hàng thương mại và phải chịu trách nhiệm về khoản vay này dẫn tới tình trạng nhiều người cố tình chây ỳ, kéo dài thời gian trả nợ…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo Chính phủ và phối hợp các bộ, ngành, địa phương xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định 67 cho phù hợp với tình hình mới.
Theo đó, dự thảo nghị định mới đề xuất Chính phủ xem xét quyết định một số nội dung trọng tâm sau: Tiếp tục ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá, hạ tầng nuôi trồng thủy sản; quy định cơ cấu lại nợ để ngư dân tiếp tục được hưởng hỗ trợ lãi suất đối với các khoản cho vay đóng mới, nâng cấp tàu gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, nhằm tạo điều kiện cho các chủ tàu tiếp tục hoạt động sản xuất, trả nợ vốn vay; sửa đổi chính sách chuyển đổi chủ tàu, cho phép chuyển đổi chủ tàu và chủ tàu mới tiếp tục được hưởng các chính sách hỗ trợ khi nhận bàn giao tàu và khoản nợ vay từ chủ tàu cũ…
Nhà nước bảo đảm duy trì mức hỗ trợ và phạm vi bảo hiểm trong suốt thời gian khách hàng còn dư nợ vay và nâng mức hỗ trợ bảo hiểm thân tàu và hỗ trợ bảo hiểm thuyền viên.
Với những nội dung mới như trên, nghị định mới được kỳ vọng sẽ tạo thêm “cú huých”, trợ lực cho nghề cá bứt phá, phát triển.
TÂM THỜI (Nhân Dân Online)
Ý kiến ()