Thứ Sáu, 07/02/2025 08:08 (GMT +7)

Trớ trêu: Nông dân bán mía phải nhận đường để trừ nợ

Thứ 3, 19/06/2018 | 16:18:00 [GMT +7] A  A
Đã đăng vào 19/06/2018 lúc 16:18

Câu chuyện mía đường của nông dân Long An kéo dài từ nhiều năm và đến nay vẫn chưa có hồi kết. Mối quan hệ của người trồng mía và nhà máy đường từ lâu luôn phát sinh mâu thuẫn về giá mía, chữ đường chưa bao giờ được giải quyết dứt điểm thì nay lại phát sinh thêm nhiều vấn đề mới được xem là nghịch lý và trớ trêu. Thay vì nhận tiền, nông dân bán mía phải nhận đường cát thành phẩm của công ty để trừ nợ.

Kho đường có đến hàng ngàn tấn không ai ngờ đó là sở hữu của….những người dân trồng mía tại xã Lương Bình, huyện Bến Lức.

20 năm trong nghề mía nhưng chưa bao giờ ông Nguyễn Chí Hoàng, thương lái mía ở xã Tân Hòa huyện Bến Lức rơi vào tình cảnh khốn đốn như năm nay.

Trao đổi với chúng tôi ông Nguyễn Chí Hoàng, xã Tân Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An chua chát nói: “Thương lái năm nay ai cũng khổ, đóng lãi riết lỗ, riêng tui vay 6 tỷ ngân hàng, tui về bàn với bà xã không biết cách thức nào mà trả lãi ngân hàng hết, tui quyết định chắc bán 3 mẫu đất để trả nợ”

Không riêng ông Hoàng mà hầu hết thương lái ở Long An đều phải cầm cố “sổ đỏ” cho ngân hàng, thậm chí đứng trước nguy mất đất. Trong khi đó, nhà máy đường NIVL nợ tiền mía của họ hơn 100 tỷ đồng nhưng mất khả năng chi trả, buộc lòng người dân phải nhận đường để trừ nợ. Với mức giá 12.500 và 13.000 đồng/kg, ước tính số tiền nợ quy ra đường lên đến 10.000 tấn.

Những người nông dân làm nghề mía không ngờ là có ngày họ lại kiêm thêm những công việc bất đắc dĩ là nhập kho, xuất kho, chuyên chở, bốc vác, bảo quản và chạy lo thủ tục bán buôn…đường thành phẩm.

Do số lượng đường lớn, không thể nhận một lần nên người dân phải hùng tiền thuê kho với giá 137 triệu đồng/tháng để lưu trữ. Mỗi ngày, người dân vừa “canh giữ” không cho nhà máy tẩu tán đường ra ngoài vừa vận chuyển đường từ nhà máy về kho. Hiện có trên 1.500 tấn đường đã được tập kết về đây. Nhưng ngặt nổi, đường thành phẩm hoàn toàn không có hóa đơn chứng từ nên người dân cũng không biết bán ở đâu và bán cho ai vì không khéo người dân sẽ trở thành người buôn lậu. Ông Hoàng cho biết thêm: “Người dân cố gắng chuyển đường về bỏ ở đây chứ cũng không biết bán buôn sao nữa, chỉ kiến nghị cơ quan thuế cấp hóa đơn, cho nông dân bán đường cho thuận tiện, để giải quyết trước mắt nợ ngân hàng với tiền tái đầu tư sản xuất”.

Còn ông ông Huỳnh Ngọc Hà, cũng ở xã Lương Bình, huyện Bến Lức, tỉnh Long An không dấu được bức xúc trước thực trạng nhà máy mãi “cù cưa” không thanh toán nợ cho dân, ông nói thẳng: “Cái ông NIVL này là không còn làm ăn đươc nữa rồi. Họ không trả tiền cho dân thì bây giờ nhờ ban lãnh đạo kêu gọi những doanh nghiệp khác vào đầu tư nhà máy này để chạy tiếp người dân mới sống được. Chứ để nhà máy này chạy nữa thì người dân khổ nữa”.

Niên vụ 2017-2018 Long An có khoảng 7.700 hecta mía, tập trung chủ yếu tại các huyện: Bến Lức, Thủ Thừa, Đức Hòa, Đức Huệ. 12 tháng trồng trọt, người dân chỉ trông chờ vào 1 vụ mía để sinh kế, thế nhưng đến khi thu hoạch mía chỉ được trả với mức giá bèo bọt 200 ngàn đồng 1 tấn, thậm chí cho cũng không ai nhận. Ước hiện tại vẫn còn hơn 20.000 tấn mía phải bỏ hoang ngoài đồng trong sự xót xa và tiếc nuối của người dân.

Cầm cây mía đã mọc mầm “do bị ngã” anh Nguyễn Phúc Toại (phải), ở xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An chia sẻ: “Bán cho lái thì lái mua rẻ, nhưng mà đó là lúc trước, chứ bây giờ bán rẻ lái cũng không mua, thậm chí nhà vườn cho không lái cũng không đốn, vì đốn rồi bán ra cũng đâu đủ tiền trả công. Chưa nói có đốn bán hay đốt bỏ, thì tính ra mỗi hecta nhà vườn đã mất đi 40 – 50 triệu”

Không thể để người dân “tự bơi” trong tình cảnh khó khăn này, họ đang trông chờ hướng giải quyết từ phía chính quyền địa phương và cơ quan chức năng./.

Duy Huệ – Võ Huy

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu