Tất cả chuyên mục

Hiện nay, dưa lưới được trồng khá phổ biến. Tuy nhiên việc trồng bằng phương pháp thủy canh hồi lưu trên địa bàn tỉnh thì rất hiếm. Trong đó, anh Hứa Thanh Phú – Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp Long Phụng, huyện Cần Giuộc là một trong những người tiên phong và thành công với mô hình này.
Nhà màng dưa lưới của anh Phú
Là người kinh doanh tự do và cũng khá thành công nhưng chàng thanh niên Hứa Thanh Phú lại rẽ ngang sang làm nông nghiệp với niềm đam mê và tâm huyết muốn xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng cho địa phương. Năm 2019 anh đầu tư 300 triệu xây dựng nhà màng và hệ thống thủy canh hồi lưu với diện tích 1.000m2 để sản xuất dưa lưới theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn. Cẩn trọng ngay từ khâu chọn giống, anh Phú phải trồng thử nghiệm với 10 giống dưa khác nhau để chọn lọc ra giống dưa ưng ý nhất. Anh Phú, Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp Long Phụng cho biết thêm “hiện tôi đã đăng ký nhãn hiệu và logo sản phẩm dưa lưới với Sở khoa học và công nghệ tỉnh để nhận biết được thương hiệu nông sản của xã nhà. Bên cạnh đó, tôi cũng xét nghiệm quy trình sản xuất an toàn để làm cơ sở đăng ký tiêu chuẩn VietGAP nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm tạo niềm tin cho khách hàng.”
Dưa được trồng theo công nghệ thủy canh
1 hec ta dưa lưới trồng theo công nghệ thủy canh chỉ cần 1 người chăm sóc
Theo anh Phú, trồng dưa lưới thủy canh có nhiều ưu điểm vượt trội như: cây hấp thụ đủ dinh dưỡng; nhẹ công chăm sóc, 1hecta chỉ cần 1 người theo dõi; đặc biệt mô hình còn chứng tỏ được hiệu quả sử dụng nước tiết kiệm trong điều kiện khô hạn và thiếu nước ngọt do biến đổi khí hậu. Với cách làm này, vừa giúp anh Phú giảm giá thành sản xuất, vừa tạo ra sản phẩm dưa lưới chất lượng thơm ngon, giòn ngọt, kéo dài thời gian bảo quản trong điều kiện tự nhiên đến 10 ngày. Thành công bước đầu giúp anh tự tin mở rộng diện tích trồng dưa lưới lên 2.000m2 và đầu tư thêm nhà màng trồng rau màu với diện tích 3.000m2. Ngoài ra, anh cũng sẽ triển khai trồng thêm cây ăn trái, hoa kiểng để thực hiện ước mơ lớn hơn về một dự án du lịch canh nông nhằm tạo sân chơi, giúp các em học sinh trải nghiệm thực tế và tìm hiểu các hoạt động trồng trọt, thu hoạch. Anh Phú chia sẻ về dự án ấp ủ “hiện tại, tôi đang đi đầu để tìm đầu ra ổn định và mục tiêu sắp tới nữa là liên kết với người nông dân xã nhà để làm du lịch sinh thái nhằm tạo sân chơi hữu ích cho thanh thiếu nhi, giúp các em học sinh trải nghiệm làm nông nghiệp, rèn luyện kỹ năng sống gần gũi với thiên nhiên, yêu thiên nhiên và bảo vệ môi trường.”
Dưa lưới Long Phụng của anh Phú đã được đăng ký logo
Đánh giá về mô hình của anh Phú, chị Đỗ Thị Thảo Phương – Phó Bí thư huyện đoàn Cần Giuộc cho biết “đây là ý tưởng mới và có nhiều triển vọng. Đặc biệt, mô hình trồng dưa lưới thủy canh lồng ghép vào du lịch trải nghiệm vừa giúp anh phát triển kinh tế, vừa làm phong phú thêm hoạt động đoàn ở địa phương.”
Hoài bảo của anh Phú là một dự án du lích canh nông, mà vườn dưa lưới là một khởi đầu
Mô hình trồng dưa lưới theo phương pháp thủy canh hồi lưu mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây cũng là cơ hội giúp cho nông dân học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận với công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng./.
Duy Huệ – Võ Huy
Ý kiến ()