Chủ Nhật, 09/02/2025 05:11 (GMT +7)

Trồng thanh long trên đất nhiễm mặn

Thứ 2, 27/08/2018 | 17:06:00 [GMT +7] A  A

Trồng thanh long ở huyện Châu Thành đã không còn là chuyện xa lạ khi mà diện tích thanh long ở đây đang gia tăng nhanh chóng. Diện tích thanh long của huyện đang tiếp tục mở rộng đến tận các xã vùng hạ, nơi mà cách nay vài năm hãy còn là vùng đất nhiễm mặn.

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với môi vùng đất nhiễm mặn, trong 5 năm qua, nông dân các xã ven sông Vàm Cỏ Tây thuộc vùng hạ huyện Châu Thành như Thuận Mỹ, Phước Tân Hưng, Thanh Vĩnh Đông đã nhân rộng mô hình trồng cây thanh long thương phẩm.

Thanh long được trồng khu vực ven đê Sông Vàm Cỏ Tây, huyện Châu Thành

Hai xã Thuận Mỹ và Phước Tân Hưng mỗi xã có diện tích đất nông nghiệp khoảng trên 1.000 hecta thì đã có đến 700 hecta trồng thanh long, 300 hecta còn lại nuôi trồng thuỷ hải sản, trồng lúa và các loại hoa màu. Riêng xã Thanh Vĩnh Đông, dù hệ thống đê bao khép kín chưa hoàn thiện nhưng cũng có 100 hecta thanh long được trồng.

Theo người dân ở đây, cây thanh long rất thích hợp với điều kiện đất đai, nguồn nước, thời tiết, khí hậu của vùng đất này và cho năng suất cao không kém gì các xã vùng thượng của huyện.

Với thanh long ruột trắng, người có thu nhập từ 30 triệu đến 50 triệu đồng một vụ trên 1 công đất. Nếu trồng thanh long ruột đỏ bán giá cao, lợi nhuận có thể đạt từ 150 triệu đến 200 triệu đồng mỗi vụ/1 công đất.

Vì trồng trên đất nhiễm mặn, nông dân không vội thu hoạch, nên chăm sóc 2 năm đầu để cây thích ứng với thổ nhưỡng, phát triển đủ sức …

Đạt được kết quả trên đây là nhờ vào tuyến đê bao dài gần 20km dọc theo sông Vàm Cỏ Tây. Đây là hệ thống đê bao thuỷ lợi có tác dụng ngăn mặn, rửa phèn, điều tiết nuớc ngọt, chống ngập úng vào mùa mưa, hạn hán trong mùa khô.

Hiện nay, các giống thanh long cao sản có thể cho trái chỉ sau 6 tháng đặt hom và mỗi năm có thể canh tác 3 vụ nhưng đa số hộ trồng thanh long ở đây chỉ canh tác 2 vụ. Theo kinh nghiệm của người trồng thanh long lâu năm, trong hai năm đầu, bà con đừng vội khai thác, thu hoạch mà nên quan tâm chăm sóc, dưỡng cây, phòng trừ sâu bệnh để cây thanh long mới trồng thực sự thích nghi với môi trường đất của vùng hạ vốn đã bị nhiễm mặn. Đặc biệt, bà con nên quan tâm đầu tư hệ thống kênh mương nội đồng cho vườn thanh long.

Thu hoạch thanh long vùng hạ

Trong khoảng 2.000 hecta thanh long ở các xã vùng hạ của huyện Châu Thành, đến nay có trên 70% diện tích thanh long từ 3 đến 5 năm tuổi, tức là đang trong giai đoạn khoẻ mạnh để khai thác trái, có thể canh tác 3 vụ trong năm, vì vậy nhu cầu điện chiếu sáng cho thanh long đang gia tăng. Tuy nhiên hiện nay, hệ thống điện cung cấp điện cho các xã vùng hạ huyện Châu Thành chủ yếu vẫn còn là điện sinh hoạt. Các xã đang phối hợp với ngành điện đầu tư nâng cấp hệ thống điện để đáp ứng nhu cầu trồng thanh long.

Trước đây, có lẽ ít ai ngờ vùng đất nhiễm mặn ven sông Vàm Cỏ Tây ở các xã vùng hạ Thuận Mỹ, Phước Tân Hưng huyện Châu Thành lại có thể trồng được cây thanh long. Nhưng nay, đó là hiện thực. Những vườn thanh long trù phú đang thay đổi diện mạo của vùng đất bưng biền ngày nào. Đời sống của người dân đang ngày càng khá giả, giàu có hơn.

Hữu Minh – Hùng Anh

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu