Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 05/02/2025 01:40 (GMT +7)
Trung đoàn 320 anh hùng và cuộc hội ngộ tháng tư
Thứ 4, 04/04/2018 | 09:41:00 [GMT +7] A A
Tháng Tư, những người lính Trung đoàn 320 anh hùng hẹn trở về mãnh đất Long An, quây quần bên nhau chứa chan cảm xúc. Vẹn nguyên ký ức hào hùng, sắc sâu tình đồng đội, gia đình và cuộc sống…là những câu chuyện dài của những người lính. Rồi tình cảm của các má, các chị nơi đôi dòng Vàm Cỏ là hình ảnh sâu đậm nhất đối với những chàng trai Miền Bắc vào Nam chiến đấu ngày ấy đến giờ vẫn nặng nghĩa tri ân.
Ký ức hào hùng của những năm tháng chiến đấu trên chiến trường miền Nam nói chung và tỉnh Long An nói riêng vẫn còn in đậm trong trí nhớ của những người lính Trung đoàn 320. Vốn là đơn vị chủ lực thực binh đầu tiên chi viện cho chiến trường miền Nam bước đầu với những trận đánh lớn, lập chiến công hiển hách trên chiến trường Tây Nguyên vào năm 1969. Sau đó, đơn vị bộ đội “3 sẳn sàng” được lệnh tăng cường cho chiến trường Long An, toàn mặt trận Long An đồng loạt nổ súng khởi đầu cho những trận tiến công tiêu diệt hàng ngàn tên địch, đồn bót khiến quân thù khiếp vía. Điển hình như trận Hiệp Thạnh, trận Cầu Bến Lức, trận Mộc Hóa, trận kênh Dương Văn Dương…Những người lính Trung đoàn 320 đã một lòng xả thân, bám trụ, chiến đấu anh dũng góp sức tạo cho Long An thế đứng vững vàng trước cửa ngõ Tây Nam Sài Gòn cho đến ngày toàn thắng 30 tháng Tư lịch sử.
Đồng chí Cao Nguyên Hoài – trưởng ban liên lạc Trung đoàn 320 không giấu được niềm tự hào và đan xen nhiều cảm xúc: Chúng tôi lúc đó không sợ bom đạn, không sợ hi sinh, dù tuổi đời còn khá trẻ. Đặt chân vào chiến trường miền Nam, đứng chân trên mãnh đất Long An cùng với sự giúp đở của chính quyền và nhân dân chúng tôi đã quyết chiến đấu cho đến cùng và đến giờ chúng tôi luôn tự hào về điều đó. Trong số hơn 1.700 đồng đội trung đoàn hi sinh trên mãnh đất Long An, hiện nhiều anh em chưa tìm được hài cốt, đó là nỗi trăn trở của những người còn sống.
CCB Trần Văn Huynh (hàng đầu bên phải) và CCB Bùi và Bé vui mừng gặp lại nhau trong ngày họp mặt trên mãnh đất Long An
Sau 41 năm bặt tin nhau, cựu chiến binh (CCB) Trần Đặng Huynh – quê miền Bắc và CCB Bùi Văn Bé – quê miền Tây Nam Bộ mới tìm gặp lại nhau. Vào năm 1968, ông Huynh là cán bộ trung đội trưởng của ông Bé, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước, đơn vị tiếp tục tham gia chiến đấu trên chiến trường Campuchia cứu đất nước và nhân dân nước bạn thoát khỏi họa diệt chủng. Dù thời gian làm thay đổi, nhưng mới vừa bước xuống xe, hai người đã nhận ra ngay ôm choàng lấy nhau, cười nói rổn rảng mà mắt đỏ hoe. Những câu chuyện kể về huấn luyện, chiến đấu ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, năm tháng bên nhau trên chiến trường Campuchia rồi chuyện làm ăn, con cái của hai người lính cứ vậy tuôn trào. Hiện gia đình cựu chiến binh Trần Đặng Huynh đang sinh sống ở Vũng Tàu, lần nào đơn vị tổ chức hợp mặt ông đều lặn lội về dự để được gặp lại đồng đội và mong tìm được thông tin về chiến sĩ Bùi Văn Bé mà ông vốn thương mến như em trai của mình đã mấy mươi năm bặt tin nhau.
Những CCB Trung đoàn 320 được má Nguyễn Thị Đâu – xã Quê Mỹ Thạnh – huyện Tân Trụđùm bọc như những đứa con của mình
Còn ông Bé đã đưa gia đình về Giồng Trôm lập nghiệp. Kinh tế khó khăn, lo bươn chảy mưu sinh, nuôi con ăn học, ông không có điều kiện để về họp mặt mà những lần trước đơn vị tổ chức ở TP.HCM. Giờ được gặp lại người trung đội trưởng đáng kính, CCB Bùi Văn Bé xúc động bày tỏ: Lúc đó tôi là chiến sĩ Tiểu đội 1-trung đội 1-đại đội do trung đội trưởng Trần Đặng Huynh quê miền Bắc chỉ huy. Tôi nhớ rõ những tình cảm anh dành cho những chiến sĩ miền Nam. Anh đã tận tình huấn luyện, động viên chúng tôi, mọi khó khăn, nguy hiểm anh đều tiên phong. Trong sinh hoạt anh rất vui tính, hòa đồng và hết mực thương yêu chiến sĩ coi như em út của mình. Đến lúc chiến đấu trên chiến trường Campuchia, trong một trận đánh ác liệt chính anh là người đã kịp kéo tôi ngã xuống bụi dứa dại tránh được viên đạn của địch vừa sượt qua vai. Giờ gặp lại, chắn chắn chúng tôi sẽ không để lạc nhau lần nữa.
Lúc chia tay, CCB Trần Đặng Huynh hứa sẽ sắp xếp đưa vợ con về Bến Tre để thăm gia đình người đồng đội của mình vào cuối tháng tư này.
CCB Trung đoàn 320 xúc động khi gặp lại các má, các chị đã đùm bọc, che chở trong những năm tháng chiến đấu
Trong ngày họp mặt tình cảm hậu phương với người lính vẫn còn nguyên vẹn. Bà Võ thị Chung – xã Vĩnh Công-Châu Thành chia sẻ :Thương anh em miền Bắc, xa cha xa mẹ vào đây chiến đấu, không biết sống chết lúc nào trước mưa bom lửa đạn quân thù nên chúng tôi lúc đó chừng 16-17 tuổi vừa làm giao liên tiếp tế, vừa may quần áo mang vô cho các anh, cùng các má, các chị nấu cơm, canh gác, chăm sóc thương binh, chôn cất tử thi…
Sự đùm bọc, chở che không ngại gian khổ, hi sinh hay tù đày của các má, các chị đã là hậu phương vững chắc để người lính kiên cường chiến đấu và là cảm xúc trong mỗi trái tim các CCB 320 hôm nay. Ngọn đèn báo hiệu của các má Sáu, má Tư, má Bảy …đã đi vào ký ức và đẹp như bài thơ do chính các anh sáng tác “Từ ngày anh đến quê nhà. Má lo giặc bố giặc lùa chưa quen. Thương anh như thể thương em. Lo từng bữa gạo đường lên lối về. Ngọn đèn ám hiệu đêm khuya. Có lính má tắt, lính về má chong. Đèn kia sáng tựa ánh hồng. Tấm lòng của má tấm lòng Miền Nam.
Thùy Trang
Ý kiến ()