Thứ Hai, 20/01/2025 19:04 (GMT +7)

Trường học cần nâng cao rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh

Thứ 2, 29/05/2017 | 15:20:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN – Tăng cường rèn luyện các kỹ năng sống là điều cần thiết cho trẻ nhưng vấn đề này lại chưa thực sự được quan tâm đúng mức.

Nhân dịp nghỉ hè, cháu Nguyễn Trần Minh Hiển, 10 tuổi, ở phường Diên Hồng, thành phố Pleiku được cha mẹ cho tham gia lớp rèn luyện kỹ năng sống tại Nhà thiếu nhi tỉnh Gia Lai.
Lớp học có khá nhiều nội dung như: kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, sơ cứu khi bị đuối nước, điện giật, rắn cắn; kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng xử lý tình huống khi bản thân có nguy cơ bị xâm hại; cách sống tự lập, tự phục vụ bản thân và trải nghiệm cuộc sống với các nội dung trồng rau, úp nơm bắt cá…
Cháu Hiển rất hào hứng với lớp học bổ ích này vì nó khác hoàn toàn với lớp học ở nhà trường, nơi cháu liên tục phải tiếp nhận các kiến thức môn học với áp lực quá cao.
truong hoc can nang cao ren luyen ky nang song cho hoc sinh hinh 1
Trẻ em không chỉ học lý thuyết, có kiến thức, mà cần phải học các kỹ năng sống, thực hành tốt các kỹ năng để làm người. (Ảnh minh họa)
Cháu Hiển nói: “Ở trên trường con học lý thuyết còn kỹ năng sống, thầy cô chưa dạy. Con mong muốn thầy cô dạy các kỹ năng nhiều hơn. Con rất hào hứng khi học lớp kỹ năng ở nhà thiếu nhi. Lớp kỹ năng này ba con cho con tham gia”.
Có cùng suy nghĩ với con trẻ, anh Trần Đức Cường ở phường Đống Đa, thành phố Pleiku có con học lớp 7, cho biết, chương trình học văn hóa của trẻ em hiện nay rất nặng nề. Do đó, khả năng giao tiếp, kỹ năng sống của các cháu rất hạn chế.
Theo anh Cường, để giúp trẻ có thêm các kỹ năng, ngoài sự nỗ lực của phụ huynh, ngành giáo dục, các nhà trường cần có sự thay đổi, cần đưa vào giảng dạy, thực hành các kỹ năng sống cho trẻ.
Anh Cường chia sẻ: “Theo tôi, rất mong có sự cải cách về giáo dục. Đặc biệt là các cháu từ tiểu học tới cấp 2, cấp 3, cần giảm bớt thời lượng học kiến thức lý thuyết, tăng cường thực hành kỹ năng sống sẽ hữu ích hơn. Nhiều kỹ năng cần thiết như giao tiếp, tự lập kể cả bơi lội cũng rất cần thiết”.
Gia Lai hiện là một trong những tỉnh có tỷ lệ trẻ tử vong do tai nạn thương tích cao nhất cả nước, đặc biệt là đuối nước. Từ đầu năm tới nay, trên địa bàn xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm, có thể kể đến vụ 4 cháu học sinh cấp 2 ở xã biên giới Ia O bị tử vong do đuối nước vào cuối tháng 3, hay vụ 2 cháu học sinh mới 12 và 13 tuổi ở huyện Chư Păh bị đuối nước vào trung tuần tháng 4.
Tăng cường rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ là điều rất cần thiết. Bà Lê Thị Hà, Giám đốc Nhà thiếu nhi tỉnh Gia Lai cho biết, nhân dịp hè, đơn vị đã tổ chức khóa huấn luyện kỹ năng sống, học làm người có ích cho trẻ em. Theo bà Hà, việc tổ chức các chương trình thế này là hữu ích nhưng là chưa đủ. Bởi, số lượng trẻ được tham gia là rất hạn chế so với trẻ em của tỉnh. Để mang lại hiệu quả thực sự cho trẻ em toàn tỉnh thì cần sự quan tâm, thay đổi của cả xã hội, nhất là các nhà trường.
Bà Lê Thị Hà cho hay: “Không phải một Nhà thiếu nhi, một tổ chức đoàn thể sẽ làm thay đổi được. Tôi mong rằng cùng xã hội và các tổ chức giáo dục trong nhà trường hãy cùng đồng loạt triển khai hoạt động này trang bị cho các em, góp phần giảm thiểu các tai nạn thương tích, nhất là tai nạn đuối nước đối với thiếu nhi”.
Thực tế đặt ra yêu cầu cần thay đổi nhận thức của xã hội, các bậc phụ huynh và nhất là các nhà trường về rèn luyện kỹ năng sống, phòng chống thương tích cho trẻ em. Trẻ em không chỉ học lý thuyết, có kiến thức, mà cần phải học các kỹ năng sống, thực hành tốt các kỹ năng để làm người./.
Công Bắc/VOV-Tây Nguyên

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu