Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 19/01/2025 19:38 (GMT +7)
Truyền thống gia đình cần lưu giữ
Thứ 4, 19/04/2017 | 08:01:00 [GMT +7] A A
Trong gia đình người Việt Nam từ xưa đến nay, ông bà, cha mẹ là những tấm gương sáng, luôn thể hiện sự mẫu mực, là chỗ dựa vững chắc để con cháu học tập noi theo. Việc nêu gương sáng đơn giản chỉ bằng những việc làm thiết thực, cụ thể trong cuộc sống hằng ngày như: chịu khó, phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế, sống vì xóm làng. Giữ được nếp nhà truyền từ đời này qua đời khác đòi hỏi mỗi thành viên cần có ý thức bảo vệ giữ gìn và tiếp nối truyền thống. Điển hình là gia đình ông Trần Công Thành, ngụ khu A, thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa.
Khác với vẻ bề ngoài nghiêm khắc ông Trần Công Thành ngụ khu A, thị trấn hậu nghĩa, huyện Đức Hòa lại là một người gần gũi, ôn hòa và cũng rất… tâm lý. Ông Trần Công Thành, nguyên Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy được sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, cha ông tham gia thời kháng chiến chống thực dân Pháp. Nơi đây xưa kia được gọi là ấp Bàu Trai Thượng, xã Tân Phú. Ngày xưa hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, nhà ông có 7 anh em, 4 trai, 3 gái, cha đi kháng chiến, mẹ ông phải tần tảo buôn gánh bán bưng để nuôi 7 đứa con. Lớn lên từ hoàn cảnh đó, dường như anh em ông được nung nấu ý chí cách mạng từ rất sớm, nhất là các anh em trai. Ông tham gia cách mạng năm 18 tuổi, 2 người em trai kế tiếp cũng tham gia kháng chiến chống Mỹ và hi sinh sau đó. Khi hòa bình lập lại, ông tiếp tục tham gia công việc nhà nước, năm 1977 ông lập gia đình. Xác định sẽ chọn một người vợ biết vun vén cho gia đình, phụng dưỡng cha mẹ, nuôi dạy con cái tốt để mình có thể yên tâm lo cho công việc ông đã may mắn tìm gặp được một người vợ như ý muốn.
Khi cha mẹ ông mất, 2 đứa con 1 trai, 1 gái cũng đều có công việc ổn định, con dâu, con rễ cũng đều là những cán bộ, công chức, sống hòa thuận và thương yêu nhau, 4 đứa cháu nội, ngoại đều ngoan ngãn, biết vâng lời và học giỏi. Nếu nói để giáo dục con cháu, với ông chỉ có thể nói ngắn gọn: dạy chúng luôn hướng về gia đình, biết yêu thương, có trách nhiệm chăm sóc nhau, biết hi sinh vì nhau và phấn đấu học hành thật giỏi để có một công việc ổn định, làm việc có ích cho đời. Trong gia đình thành đạt ấy, có thấp thoáng bóng dáng một người phụ nữ luôn âm thầm, lặng lẽ đứng sau, những đóng góp của bà không hề nhỏ – đó là Bà Nguyễn Thị Ru, sinh năm 1954, người bạn đời của ông Trần Công Thành. Dù rằng cưới nhau khi hòa bình đã lập lại, bà không phải…nơm nớp lo sợ mỗi khi có giấy báo tử gửi về như những người vợ trong chiến tranh, nhưng với công việc lúc ấy, ông Trần Công Thành cứ đi…biền biệt, bà một tay chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ chồng và nuôi nấng dạy dỗ 2 đứa con thơ dại.
Ông Trần Công Thành là người rất tâm lý khi ông cho rằng, do điều kiện kinh tế, điều kiện học hành và làm việc, các bậc cha mẹ không thể “bắt buộc” con cháu sống cùng với mình, nhưng qua cách sống biết quan tâm chia sẻ, luôn hướng về gia đình của mình, con cháu sẽ nhìn vào đó mà noi theo. Không chỉ gương mẫu trong việc giáo dục truyền thống gia đình cho con cháu, ông Trần Công Thành còn làm tấm gương sáng sống hòa đồng giúp đỡ, tham gia tốt mọi phong trào của địa phương, góp phần rất lớn trong công tác xây dựng thị trấn Hậu Nghĩa ngày một phát triển hơn, văn minh hơn.
Tấm gương của vợ chồng ông Trần Công Thành và các con cháu như càng tiếp thêm lòng tin về một gia đình 3 thế hệ sống hòa thuận, biết yêu thương chia sẻ, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.
QUỲNH TRANG
Ý kiến ()