Thứ Năm, 16/01/2025 01:53 (GMT +7)

Từ 1/1/2021 các đơn vị phải cấp C/O mẫu EUR.1 từ seri AB trở đi

Thứ 5, 31/12/2020 | 06:47:00 [GMT +7] A  A

Bộ Công Thương cho biết, EU chấp nhận Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) mẫu EUR.1 với seri AA được cấp bởi cơ quan, tổ chức cấp của Việt Nam đến hết ngày 31/12/2020.

Lô sản phẩm tôm đông lạnh của Công ty Thông Thuận được vận chuyển lên xe chở xuất khẩu sang thị trường EU. Ảnh minh họa: Công Thử/TTXVN

Do đó, các lô hàng xuất khẩu từ Việt Nam có C/O mẫu EUR.1 với seri AA được cấp trước ngày 1/1/2021 vẫn được chấp nhận tại EU dù lô hàng đó nhập khẩu vào EU sau ngày 1/1/2021.

Đáng lưu ý, kể từ ngày 1/1/2021, các cơ quan, tổ chức cấp C/O được Bộ Công Thương ủy quyền sẽ phải cấp C/O mẫu EUR.1 từ seri AB trở đi cho doanh nghiệp.

Nhận định từ các chuyên gia thương mại, tuy dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới nhưng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU vẫn ghi nhận ở mức cao.

Đặc biệt, kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực ngày 1/8/2020, kim ngạch hàng hoá sử dụng chiếm tới 14% tổng kim ngạch xuất khẩu sang khu vực này.

Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, tính đến đầu tháng 12 các cơ quan tổ chức đã cấp trên 54.000 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch gần 2,1 tỷ USD đi 28 nước bao gồm EU-27 và Anh.

Riêng với Việt Nam, quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA được quy định tại Thông tư số 11/2020/TT-BCT ngày 15 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 8 năm 2020.

Tại EU, quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA được hướng dẫn tại Tài liệu do EU soạn thảo; trong đó, một số nội dung mà các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý để tận dụng ưu đãi từ Hiệp định EVFTA khi xuất khẩu sang thị trường EU.

Các chuyên gia thương mại cho biết, ưu đãi thuế quan theo cơ chế ưu đãi phổ cập (GSP) được quy định tại Phụ lục 2-A, Phần A, điểm 3 của Hiệp định EVFTA chỉ rõ, ưu đãi thuế quan mà EU dành cho Việt Nam theo cơ chế GSP sẽ được cố định và duy trì trong 7 năm đầu tiên sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Do đó, kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022, nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu có thể lựa chọn sử dụng GSP hoặc EVFTA và áp dụng quy tắc xuất xứ tương ứng với mỗi cơ chế này.

Cũng theo các chuyên gia thương mại, trong 5 năm tiếp theo, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU vẫn được phép lựa chọn áp dụng một trong hai mức thuế ưu đãi từ GSP hoặc Hiệp định EVFTA.

Thế nhưng, dù áp dụng thuế quan ưu đãi theo cơ chế nào, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cần đáp ứng quy định về quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA.

Tuy nhiên, ưu đãi thuế quan EVFTA cho hàng hóa đã thông quan tại EU, theo quy định tại Chương 3, Luật Hải quan của Liên minh châu Âu, hàng hóa của Việt Nam sau khi nhập khẩu vào EU (đã thông quan) vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan khi nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ còn hiệu lực được phát hành sau ngày xuất khẩu.

Trong trường hợp này, chứng từ chứng nhận xuất xứ (C/O mẫu EUR.1 hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ) sẽ được phát hành sau theo quy định tại Điều 17 và Điều 19 (5), Nghị định thư 1, Hiệp định EVFTA.

Ngoài ra, hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam vào EU có C/O mẫu A đã được thông quan và hưởng ưu đãi theo GSP (một phần hoặc toàn bộ) tại EU, nhà nhập khẩu EU vẫn có thể được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA khi chứng minh được hàng hóa đáp ứng quy định tại Hiệp định.

Trong trường hợp này, nhà xuất khẩu Việt Nam có thể đề nghị cơ quan, tổ chức cấp được Bộ Công Thương ủy quyền cấp sau C/O mẫu EUR.1 để được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định EVFTA.

Hơn nữa, nguyên tắc cộng gộp vải nguyên liệu có xuất xứ Hàn Quốc để sản xuất sản phẩm dệt may tại Việt Nam không tự động được áp dụng khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Theo Hiệp định EVFTA, Việt Nam và Hàn Quốc cần trao đổi, thống nhất việc phối hợp xác minh xuất xứ khi áp dụng nguyên tắc cộng gộp này và thông báo với EU.

Bộ Công Thương cho hay, Hàn Quốc và Việt Nam đã ký công hàm trao đổi về việc thực hiện nguyên tắc cộng gộp xuất xứ vải theo Hiệp định EVFTA và đã có thông báo với EU.

Bởi vậy, sau khi EU phản hồi đã nhận được thông báo về việc triển khai cộng gộp của Hàn Quốc và Việt Nam, nguyên tắc cộng gộp vải này sẽ được áp dụng kể từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng mà EU phản hồi.

Uyên Hương (TTXVN)
https://baotintuc.vn/kinh-te/tu-112021-cac-don-vi-phai-cap-co-mau-eur1-tu-seri-ab-tro-di-20201230141631568.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu