Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 22/01/2025 18:00 (GMT +7)
Tướng Vịnh nói về quan hệ đặc biệt của cha với Bác Hồ
Thứ 5, 06/07/2017 | 17:23:00 [GMT +7] A A
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng có dịp kể lại những ấn tượng sâu sắc về sự quan tâm của Bác với gia đình mình.
Nhân kỷ niệm 50 năm ngày mất của vị Đại tướng nổi tiếng, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân VN và Bộ VH-TT&DL phối hợp tổ chức tọa đàm “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh”.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng có dịp kể lại những ấn tượng sâu sắc về sự quan tâm của Bác với gia đình mình.
“Tôi vẫn nghĩ đó là động lực vô cùng quan trọng để tôi sống, phấn đấu và học tập cho đến tận bây giờ”, Thượng tướng chia sẻ.
Vị Đại tướng được Bác Hồ đặt tên
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tên thật là Nguyễn Vịnh (1914-1967). Tháng 8/1945, tại hội nghị Đảng toàn quốc ở Tân Trào, ông được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khi công bố danh sách BCH TƯ Đảng có tên Nguyễn Chí Thanh, ông Nguyễn Vịnh không biết liền hỏi người ngồi cạnh thì được trả lời “Là anh chứ ai nữa, chính Bác đặt tên cho anh đấy!”. Từ đó, ông lấy tên là Nguyễn Chí Thanh, trở thành người học trò xuất sắc của Người – một chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo, chỉ huy mưu lược.
Dù vậy, ông vẫn rất nâng niu tên mình, nên năm 1957 khi hay vợ hạ sinh con trai út, ông đã đặt tên con là Nguyễn Chí Vịnh.
Tướng Vịnh kể, thời kỳ cha mình đang hoạt động cách mạng, ông còn nhỏ nhưng may mắn được gặp Bác Hồ nhiều lần nên gia đình có nhiều kỷ niệm vô cùng sâu đậm.
“Nói về Bác, ai cũng nghĩ rất vĩ đại, chúng tôi cảm nhận thêm nữa là Bác vô cùng gần gũi, giản dị. Khi đến nhà tôi, Bác luôn hỏi thăm sức khoẻ của bà nội đầu tiên với sự kính trọng và trìu mến vô cùng”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh kể.
Lại có lần Bác đến, khen vườn hoa của nhà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh rất đẹp, nhưng lại nói thêm rằng: “Giá mà hoa ăn được thì tốt hơn”.
“Ngay ngày hôm sau, tất cả mọi người trong nhà, kể cả bảo vệ cùng cuốc đất lên trồng rau. Và suốt từ đó đến khi rời số nhà 34 Lý Nam Đế, nhà tôi không trồng hoa nữa mà chỉ trồng rau, cây ăn quả. Đó không phải là sự cố gắng mà rất tự nhiên”, Tướng Vịnh nhớ lại.
Ông cũng kể về mối quan hệ thân tình và giản dị của ba mình với Bác Hồ, cái giản dị của những người nông dân xuất thân từ làng quê miền Trung.
Tướng Vịnh kể, ba ông nghiện thuốc lá nhưng bị cấm hút. Hồi đó, Bác Hồ hút thuốc lá Thăng Long, hộp vuông màu vàng.
Bà Nguyễn Thanh Hà, con gái Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trao lại nhiều tư liệu quý cho Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh |
“Ba ngồi hầu chuyện Bác một lúc, khi về ông cụ đút luôn bao thuốc của Bác vào túi của mình rất tự nhiên, coi như là của mình, không xin gì cả. Bác Hồ cũng để ba tôi cầm về. Khi về ông khoe với tất cả mọi người”, cả hội trường cười vui khi nghe Tướng Vịnh kể.
Sau này, bà Nguyễn Thị Cúc, vợ Đại tướng cũng kể lại kỷ niệm này khi nhắc đến ông. Bà kể, Đại tướng không được hút thuốc do tình trạng sức khoẻ không tốt, bác sĩ chỉ “xuất” cho mỗi ngày 2 điếu. Thế nhưng cứ thấy hút mãi, hỏi ra thì bảo “Mới xin được của Bác”.
Vị tướng trên nhiều mặt trận
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh xuất thân từ ruộng đồng tại Thừa Thiên – Huế, sớm phải sống cuộc đời lao động chân tay để mưu sinh, không được học hành nhiều nhưng toàn bộ cuộc đời hoạt động sau này đã cho thấy ông thực sự là một tài năng lỗi lạc trên nhiều phương diện.
Nói theo cách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông là “một vị lãnh đạo xuất sắc của Đảng, một vị tướng tài ba của quân đội”. Còn nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng ví: “Anh như con đại bàng bay trên trời cao, có tầm nhìn xa trông rộng lại thấy được những cái rất cụ thể trên mặt đất”.
Tại toạ đàm, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thuỷ nhấn mạnh: “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là tấm gương mẫu mực của một nhà chiến lược tầm cỡ của cách mạng VN, luôn cần, kiệm, liêm, chính, tác phong và nếp sống giản dị, đời tư trong sáng; ra sức chống chủ nghĩa cá nhân, chống tham ô, lãng phí do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động”.
Là người trực tiếp sống, chiến đấu, công tác cùng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh giai đoạn chống Mỹ ác liệt (1964-1967) tại chiến trường miền Nam, Đại tướng -nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh khẳng định: ”Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh kể từ buổi ban đầu đến khi ở những cương vị lãnh đạo cao nhất, lúc nào anh cũng xông xáo, thâm nhập vào cuộc sống của đồng bào, chiến sĩ, lăn lộn với phong trào, tìm ra quy luật phát triển tạo ra bước ngoặt mới cho cách mạng, tự tôi rèn mình trong đấu trách cách mạng”.
“Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã trở thành nhà chính trị – quân sự lỗi lạc của Đảng, quân đội và dân tộc ta”, Đại tướng Lê Đức Anh nhấn mạnh.
Ở lĩnh vực quân sự, cuối những năm 1940, với vai trò Bí thư phân uỷ khu Bình Trị Thiên, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã gây dựng phong trào kháng chiến, dựa vào dân làm xoay chuyển tình thế. Ông được người dân ca ngợi là “Linh hồn của cuộc kháng chiến Bình Trị Thiên khói lửa”. Bác Hồ đã khen tặng ông là “ông tướng du kích”.
Giai đoạn 1950-1960, với vai trò Chủ nhiệm Tổng cục chính trị, ông đã có nhiều đóng góp giúp quân và dân ta liên tiếp đánh thắng địch trong nhiều chiến dịch lớn, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 1959, ông được phong hàm Đại tướng và đây là vị Đại tướng thứ hai của quân đội ta.
Từ năm 1964-1967, nhận nhiệm vụ, Đại tướng vác ba lô vào Nam, đảm nhận vị trí Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy miền (B2). Với tư duy quân sự sáng tạo, ông đã tổng kết thành phương châm chỉ đạo tác chiến, trở thành khẩu hiệu hành động cách mạng, lan tỏa thành cao trào khắp chiến trường như: Nắm thắt lưng địch mà đánh; Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt; mô hình vành đai diệt Mỹ, Dũng sỹ diệt Mỹ, Dũng sỹ diệt xe tăng… Sau này ông được gọi là ”vị tướng phong trào”.
Không chỉ là vị tướng lĩnh tài ba, ông cũng được người dân quý mến gọi là “Đại tướng của nông dân”, khi có 4 năm làm Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương (1960-1964).
Từ tướng đánh giặc, chuyển sang mặt trận mới, liên quan đến no đói cho hàng chục triệu dân, ông tích cực đi cơ sở, từ các bản làng đồng bằng đến miền núi đều lưu dấu chân ông.
Gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh năm 1967 |
Đại tướng đã ăn, ngủ, cấy lúa cùng nông dân, làm nên thành công của HTX Đại Phong (Quảng Bình), sau đó nhân rộng ra khắp miền Bắc, thổi luồng gió mới cho nông nghiệp.
Hình ảnh một vị Đại tướng đầu đội nón lá, mặc áo tơi, lội ruộng cấy lúa, tát nước, hát đối đáp hò khoan Lệ Thủy còn in đậm trong tâm trí người dân nơi đây.
Là tư lệnh trên nhiều mặt trận là thế, nhưng cuộc đời Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vô cùng giản dị và tình cảm. Ông cũng từng đứng ra bảo vệ một ca khúc quan họ trên chiến trường, chăm bẵm hạnh phúc cho một đôi thanh niên nam nữ trên cánh đồng lúa chín..
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ra đi đột ngột vào ngày 6/7/1967, trước ngày ông dự định quay trở lại chiến trường miền Nam để chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân 1968.
Ý kiến ()