Tất cả chuyên mục
![](https://media.la34.com.vn/upload/files/logo/Logo_LA34.svg.png)
Ngày 5/9/2018, Ban Quản lý Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) tỉnh Long An phối hợp cùng UBND xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường tổ chức hội thảo truyền thông về kết quả thực hiện dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tỉnh Long An năm 2018.
Quang cảnh buổi hội thảo
Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) tỉnh Long An được triển khai thực hiện tại 23 xã thuộc 5 huyện, thị xã trên địa bàn gồm: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, TX.Kiến Tường, Mộc Hóa và Tân Thạnh với tổng diện tích vùng dự án là 49.593 hecta, số hộ tham gia dự án là 25.140 hộ, tổng kinh phí thực hiện dự án trong năm 2018 là 70,584 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn Ngân hàng thế giới (IDA) 45,134 tỉ đồng, vốn đối ứng của tỉnh 11,854 tỉ đồng và 13,596 tỉ đồng vốn tư nhân. Riêng thị xã Kiến Tường có 3 xã nằm trong vùng dự án với tổng diện tích 6.876 ha, số hộ tham gia là 2.900 hộ.
Mục tiêu dự án là tăng thu nhập cho bà con nông dân, giảm tác động tiêu cực tới môi trường từ thâm canh lúa và tăng khả năng cạnh tranh của ngành hàng lúa gạo trên thị trường. Vụ Hè thu 2018, Ban quản lý thực hiện dự án VnSAT tỉnh Long An đã tổ chức được 2 lớp tập huấn “1 phải 5 giảm” tại 18 điểm trình diễn cho 3.083 hộ nông dân trên địa bàn toàn tỉnh, hỗ trợ trang thiết bị và cơ sở hạ tầng đợt 01 số tiền 32,950 tỉ đồng, dự kiến hỗ trợ trong năm 2019 là 44,958 tỉ đồng. Các hoạt động đào tạo, tập huấn cho nông dân trong và ngoài dự án về quy trình canh tác lúa bền vững (3 giảm, 3 tăng; 1 phải 5 giảm) đạt nhiều kết quả; nông dân được thuyết phục hơn trong việc sử dụng giống xác nhận, sạ thưa, bón phân cân đối, quản lý dịch hại tổng hợp… đem lại hiệu quả kinh tế cao so với nông dân canh tác truyền thống. Riêng thị xã Kiến Tường trong năm 2018 có 01 hợp tác xã được phê duyệt hỗ trợ trang thiết bị và cơ sở hạ tầng 500 triệu đồng. Dự kiến năm 2019 tiếp tục hỗ trợ cho 01 hợp tác xã số tiền 10,1 tỉ đồng.
Thời gian tới, Ban Quản lý Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) tỉnh Long An tiếp tục triển khai các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác, nâng cao kết cấu hạ tầng sản xuất, xây dựng thương hiệu lúa gạo, nâng cao năng lực quản lý của các tổ hợp tác, hợp tác xã, sản xuất theo hướng hàng hóa chất lượng cao, góp phần giúp cho ngành lúa gạo Việt Nam nói chung và tỉnh Long An nói riêng phát triển bền vững, tăng khả năng cạnh tranh, giảm tác động tiêu cực tới môi trường từ sản xuất lúa./.
Tuấn Hùng
Ý kiến ()