Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 17/01/2025 14:16 (GMT +7)
Ứng phó với bão số 10, khắc phục hậu quả thiên tai
Thứ 3, 27/12/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Để chủ động đối phó với diễn biến của bão số 10 và mưa lũ dự kiến sẽ diễn ra, các bộ, ngành và địa phương thực hiện hiệu quả Công điện số 44 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai- Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.
Trong đó, tập trung vào việc theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; kiểm đếm, quản lý tàu thuyền, thông tin kịp thời cho chủ các phương tiện, người lao động, ngư dân đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động các biện pháp phòng tránh.
Đối với các tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng nề của các đợt mưa lũ kéo dài cần khẩn trương triển khai khắc phục hậu quả mưa lũ, chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó với mưa lũ do ảnh hưởng của bão, gió mùa Đông Bắc hiện nay, đồng thời kiểm tra, xử lý ngay đối với các hồ chưa bị ngấm, sạt sụt.
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức họp trực tuyến về công tác ứng phó với cơn bão số 10 và cảnh báo mưa lũ tại các tỉnh miền Trung. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường tại cuộc họp trực tuyến với Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định để triển khai ứng phó với bão số 10 và mưa lũ, được tổ chức ngày 27/12, tại Hà Nội.
Theo đó, các địa phương, chủ hồ kiểm tra, đảm bảo an toàn hồ chứa, chủ động xả nước đón lũ đặc biệt là 24 hồ chứa thủy lợi đang có hiện tượng thấm qua thân đập, sạt sụt. Kiểm tra hệ thống đóng mở cửa van, bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ tại các hồ chứa để đảm bảo an toàn, đặc biệt các hồ chứa đang có hiện tượng thấm, đã đầy nước; kịp thời báo cáo về Ban Chỉ đạo và các cơ quan liên quan (Vụ Quản lý công trình thủy lợi và an toàn đập đối với các hồ chứa thủy lợi và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Công thương đối với các hồ chứa thủy điện).
Chính quyền địa phương và chủ hồ chứa tăng cường phối hợp trong việc xả lũ; kiểm tra thiết bị cảnh báo xả lũ đảm bảo an toàn hạ du.
Các tỉnh khu vực miền Trung cần có biện pháp đảm bảo an toàn cho diện tích lúa đã gieo sạ vụ Đông Xuân. Dừng việc xuống giống đối với các diện tích còn lại thuộc các tỉnh Bình Định và Quảng Nam.
Căn cứ tình hình mưa lũ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có chỉ đạo cụ thể tại cuộc họp với các địa phương (dự kiến vào ngày 29/12). Có phương án kiểm soát chặt chẽ việc đi lại của người dân qua các khu vực ngầm, tràn; chủ động sơ tán dân tại vùng trũng, thấp, vùng bị ngập lụt.
Lực lượng vũ trang phối hợp với Kiểm ngư, Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn duy trì lực lượng, phương tiện thường trực sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương thường xuyên cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo mưa lũ; các cơ quan thông tin, truyền thông tăng cường thời lượng phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết và chủ động phòng tránh.
Ngay sau cuộc họp này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập đoàn tiến hành kiểm tra 24 hồ, đập bị ngấm, sụt lún và một số hồ, đập xung yếu. Bộ Công thương thành lập đoàn phối hợp với địa phương và chủ hồ kiểm tra lại hệ thống hồ, đập thuỷ điện.
Các bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác chăm lo, động viên, chia sẻ với đồng bào bị ngập lũ (đặc biệt là những vùng bị ảnh hưởng nặng bởi thiên tai) để nhân dân ổn định cuộc sống, an tâm, vui tươi, đón Tết Nguyên đán.
Theo báo cáo nhanh số 531 của Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 6 giờ 30 phút ngày 27/12, Biên phòng các tỉnh ven biển từ Quảng Bình đến Kiên Giang đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 69.280 phương tiện/335.645 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Cụ thể: Hoạt động ở khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm quần đảo Trường Sa) 1.335 tàu/10.333 lao động (Quảng Ngãi 78 tàu/1.037 lao động, Bình Định 1.081 tàu/7.901 lao động, Phú Yên 176 tàu/1.395 lao động); eo đậu tại bến 55.328 tàu/234.556 lao động; hoạt động ven bờ và vùng biển khác 12.617 tàu/90.810 lao động.
Hồ chứa thủy lợi các khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên tích nước đạt từ 85 – 100% dung tích thiết kế; các hồ chứa có tràn xả lũ bằng cửa van đang vận hành theo đúng quy trình; các địa phương và chủ hồ tổ chức trực ban thường xuyên, chủ động theo dõi diễn biến mực nước và hiện trạng công trình, nhất là 24 hồ đang xuất hiện thấm qua thân đập, vai đập: Tỉnh Bình Định 23 hồ, tỉnh Quảng Trị 1 hồ (hồ Triệu Thượng 2, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong bị thấm qua thân đập, địa phương đang tổ chức xử lý).
Tại các tỉnh Quảng Nam, Bình Định đã chỉ đạo gieo sạ lúa vụ Đông Xuân tại một số diện tích ruộng cao (dự kiến hoàn thành vào 15/1/2017); các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên hiện nước đã rút nhưng chưa tiến hành gieo sạ vụ Đông Xuân.
Ý kiến ()