Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 16/11/2024 04:58 (GMT +7)
Uống rượu, bia thế nào để không bị ngộ độc?
Thứ 3, 13/02/2018 | 11:12:00 [GMT +7] A A
Uống nhiều rượu, bia đang là vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt trong thời điểm Tết Nguyên đán, bởi rượu bia không những ảnh hưởng sức khoẻ mà còn liên quan đến tai nạn giao thông, an ninh trật tự…
Trong những ngày lễ Tết, lượng rượu, bia tiêu thụ tăng lên đáng kể, cùng với đó là số người nhập viện liên quan đến rượu bia cũng tăng rất cao. Việc lạm dụng rượu, bia uống vượt quá mức chấp nhận của cơ thể là một trong những nguyên nhân gây ra các hành vi thiếu chuẩn mực trong xã hội, gây tai nạn giao thông và cũng là nguyên nhân của 60 loại bệnh khác nhau như gan, dạ dày, tim mạch…Thậm chí ngộ độc rượu, bia dẫn đến tử vong.
Ngộ độc rượu bia đang là vấn đề đáng lo ngại trong những ngày Tết Nguyên đán. Ảnh : Internet
Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong năm 2017, cả nước đã ghi nhận 10 vụ ngộ độc rượu làm 119 người mắc, 11 người chết.
Ngộ độc rượu, bia đang là vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt trong thời điểm Tết Nguyên đán và lễ hội sắp tới. Nguyên nhân của ngộ độc rượu là do lạm dụng rượu, sử dụng rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm như: uống phải rượu pha cồn công nghiệp methanol hoặc ethylene glycol; uống rượu ngâm với thảo mộc (như lá, rễ, hạt cây) hoặc ngâm với động vật (như mật, phủ tạng…).
Uống rượu thời gian dài sẽ dẫn đến nghiện rượu, sút cân, chán ăn, rối loại tiêu hóa do tổn thương gan và ruột, đặc biệt gây thoái hóa gan, xơ gan dẫn tới ung thư gan. Đối với hệ tim mạch, uống rượu gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ ở những người có huyết áp cao. Ngoài ra uống rượu còn gây mất trí nhớ, run, rối loạn tinh thần.
Phụ nữ mang thai uống nhiều rượu có nhiều tác hại như gây sinh non, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ của đứa trẻ, gây ngộ độc cho thai nhi.
Để bảo đảm sức khỏe trong dịp Tết cổ truyền Mậu Tuất sắp tới và các ngày lễ hội đầu xuân, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo:
Uống dưới hai đơn vị cồn/ngày với nam giới, dưới 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá năm ngày trong một tuần. Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Như vậy 1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); 1 cốc bia hơi 330 ml; 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc 1 chén rượu mạnh 30 ml (40%).
Đặc biệt, không sử dụng rượu bia trong các trường hợp: Điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, có thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu bia làm cho bệnh nặng lên.
Bên cạnh đó, Cục an toàn thực phẩm cũng khuyến cáo, người dân không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân. Không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị. Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.
Thuy Phương/Báo Tin tức
Ý kiến ()