Thứ Hai, 20/01/2025 00:39 (GMT +7)

Ủy ban nhân dân các cấp tăng cường các giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em

Thứ 4, 22/03/2017 | 16:16:00 [GMT +7] A  A

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa có Công văn số 995 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, thực hiện các giải pháp phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em.

Các em chia sẻ thông tin đường dây tư vấn hỗ trợ trẻ em miễn phí Việt Nam qua số điện thoại 18001567. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Công văn nêu rõ: Thời gian vừa qua, các vụ việc xâm hại trẻ em, đặc biệt xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực trẻ em có xu hướng gia tăng cả về số lượng cũng như tính chất phức tạp, nghiêm trọng.

Tại một số địa phương, việc thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em, hướng dẫn, hỗ trợ cha mẹ, gia đình có trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục, bị bạo lực gây hậu quả nghiêm trọng chưa được triển khai kịp thời; việc tiếp nhận, xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em chưa được ưu tiên, thậm chí kéo dài, khiến các gia đình lo lắng và gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Chủ tịch nước và các Phó Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo, nhắc nhở đối với từng vụ việc và giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành có liên quan.

Thực hiện ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại thông báo số 2325ª/VPCP-KGVX ngày 14/3/2017 của Văn phòng Chính phủ, để công tác bảo vệ trẻ em nói chung, việc phòng ngừa trẻ em bị xâm hại, việc xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em, đặc biệt xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực trẻ em nói riêng được hiệu quả, kịp thời, giảm tối đa các tổn thương cho trẻ em bị xâm hại, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai và phối hợp thực hiện công tác bảo vệ trẻ em, phòng ngừa, xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em tại địa phương.

Cụ thể, truyền thông, phổ biến các quy định về bảo vệ trẻ em trong Luật trẻ em và các văn bản pháp luật có liên quan để Luật trẻ em và các quy định được triển khai thực hiện có hiệu quả, hiệu lực từ ngày 1/6/2017; tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, đặc biệt về phòng ngừa xâm hại tình dục và bạo lực đối với trẻ em cho cha, mẹ, các thành viên gia đình, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, người trực tiếp làm việc với trẻ em; kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa xâm hại cho trẻ em; tăng cường truyền thông về Đường dây Tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 để mọi trẻ em, cá nhân, cơ quan, tổ chức liên hệ miễn phí khi có nhu cầu tìm kiếm thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em; chủ động thông báo, phối hợp với Cục trẻ em và Đường dây trong việc tư vấn, can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị xâm hại. Thiết lập đầu mối tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác; xác lập cơ chế phối hợp phòng ngừa, xử lý vụ việc xâm hại trẻ em tại địa phương.

Về công tác tổ chức bộ máy, bố trí nhân lực, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố xây dựng, thực hiện Đề án thành lập tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em theo quy định tại khoản 2 Điều 94 Luật trẻ em trên cơ sở kiện toàn Ban Chỉ đạo, Ban điều hành và Nhóm công tác liên ngành bảo vệ trẻ em cấp tỉnh, huyện, xã; xây dựng và thực hiện Đề án bố trí, nâng cao năng lực, ổn định đội ngũ người làm công tác bảo vệ trẻ em ở địa phương, đặc biệt ở cấp xã, theo quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 90 Luật trẻ em để đến năm 2020 tất cả các xã, phường, thị trấn đều có ít nhất một người làm công tác bảo vệ trẻ em.

Về công tác xây dựng, thực hiện kế hoạch, phân bổ ngân sách bảo vệ trẻ em: Điều chỉnh, bổ sung chương trình, kế hoạch của địa phương; phân bổ, xác định cụ thể ngân sách địa phương hằng năm để thực hiện Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 – 2020 theo Quyết định số 2361/QĐ-TTg ngày 22/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ; sử dụng đúng mục đích, nội dung, đối tượng nguồn ngân sách hỗ trợ của trung ương cho công tác bảo vệ trẻ em tại địa phương, đặc biệt ngân sách hỗ trợ cho các trường hợp trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực từ Dự án Phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu về phát triển hệ thống trợ giúp xã hội khi được phê duyệt; xây dựng cơ sở dữ liệu về trẻ em. Định kỳ rà soát, thu thập thông tin, số liệu về trẻ em bị xâm hại, bạo lực ở địa phương.

Đồng thời, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần củng cố dịch vụ bảo vệ trẻ em: Rà soát, đánh giá hoạt động, quy hoạch các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em công lập và ngoài công lập theo quy định Luật trẻ em. Kiện toàn hoặc thành lập các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em chuyên biệt: Trung tâm công tác xã hội hoặc Trung tâm công tác xã hội trẻ em cấp tỉnh hoặc cấp huyện.

Phát triển các mô hình điểm tư vấn bảo vệ trẻ em tại cộng đồng, điểm tham vấn bảo vệ trẻ em trong trường học; khuyến khích các tổ chức xã hội, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ, đăng ký hoạt động cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em theo quy định của pháp luật; tổ chức thực hiện công tác bảo vệ trẻ em, ưu tiên phòng ngừa, xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phân công cụ thể trách nhiệm chủ trì, trách nhiệm phối hợp phòng ngừa, xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em cho các sở, cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân các cấp; thực hiện quy trình hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, cá nhân che giấu, không thông báo, không tố cáo vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em; triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2017 với chủ đề “Phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”; đôn đốc, kiểm tra, thanh tra việc giải quyết, xử lý các vấn đề, vụ việc xâm hại trẻ em phức tạp, được xã hội, cộng đồng dân cư quan tâm; chủ động thông tin, báo cáo cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các Bộ, ngành và các cơ quan có liên quan những khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo vệ trẻ em để được hướng dẫn giải quyết; kịp thời xác minh, báo cáo những vấn đề, vụ việc đột xuất, nổi cộm, phức tạp để phối hợp, hỗ trợ giải quyết.

Phúc Hằng (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu