Hồ sơ dự án Luật Biểu tình chưa đầy đủ
Tính đến hết ngày 30/6/2016, UBTVQH đã nhận được đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 gồm 51 dự án luật cụ thể. Tuy nhiên, số lượng dự án được đề nghị, kiến nghị đưa vào Chương trình năm 2017 nhiều so với khả năng thực hiện.
“Để bảo đảm tính khả thi của Chương trình năm 2017, tránh bị điều chỉnh quá nhiều, cần phải cân nhắc một cách thận trọng, xác định rõ quan điểm, căn cứ lập dự kiến chương trình, xem xét kỹ sự cần thiết ban hành, phạm vi, đối tượng điều chỉnh, những nội dung cơ bản của từng dự án”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông nói.
Liên quan dự án Luật Biểu tình, dù được đưa vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII để kịp thời thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, nhưng do tính chất phức tạp, cần có thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, nên thời gian trình dự án Luật này đã được lùi lại.
Theo ông Lê Minh Thông, đến nay, Chính phủ đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIV và thông qua tại kỳ họp thứ 4.
“Qua quá trình chuẩn bị cho thấy nhiều vấn đề quan trọng trong dự án vẫn còn có ý kiến khác nhau; hồ sơ của dự án chưa đầy đủ. Do đó, chưa đủ cơ sở để báo cáo Quốc hội đưa dự án này vào Chương trình” – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cho biết.
UBTVQH cũng tán thành với đề nghị của Ủy ban Quốc phòng An ninh bổ sung vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 và thông qua tại kỳ họp thứ 4 dự án Luật bảo vệ bí mật nhà nước để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, khắc phục bất cập của Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước hiện hành, bảo đảm sự đồng bộ với Luật tiếp cận thông tin, Luật an toàn thông tin mạng đã được được Quốc hội thông qua.
Chưa có dự thảo nên chưa biết “ý đồ” của dự án Luật
Về dự kiến điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, Chính phủ đề xuất, cần sớm ban hành dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật về đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, đến nay hồ sơ về dự án Luật này chưa có nên không thể đưa vào Chương trình trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV.
Giải trình về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, việc ban hành dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật về đầu tư, kinh doanh nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thực hiện đổi mới, cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp nên đề nghị trình dự án Luật này cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 và thông qua tại một kỳ họp.
Bày tỏ ý kiến chưa thống nhất, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, chưa nhận được dự thảo nên chưa biết ý đồ của dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật về đầu tư, kinh doanh. Do đó, cần phải bàn thật kỹ luật này.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, dự án luật chưa có hồ sơ thì chưa đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ, Chính phủ đề nghị điều chỉnh tiến độ trình dự án từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIV sang cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 2 theo quy trình một kỳ họp, vì phạm vi sửa đổi, bổ sung ít, vấn đề sửa đổi, bổ sung đã rõ ràng.
Nhấn mạnh vấn đề chuyển giao công nghệ hiện doanh nghiệp rất bức xúc, không thể để chúng ta trở thành “bãi rác” của thế giới, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường đề nghị mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung của Luật nhằm tạo khung pháp lý đồng bộ, thuận lợi, khuyến khích đổi mới công nghệ mới, hiện đại, giải quyết những yêu cầu thực tế đặt ra.
UBTVQH cũng nhận thấy đây là dự án quan trọng, những vấn đề đặt ra trong dự án do Chính phủ trình chưa giải quyết được hết những vấn đề đang đặt ra trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ. Do vậy, cần xem xét dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ theo quy trình tại hai kỳ họp Quốc hội và đổi tên là dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi)./.
Ý kiến ()