Chủ Nhật, 19/01/2025 07:01 (GMT +7)

Vận hành thị trường chứng khoán phái sinh an toàn, minh bạch

Thứ 5, 10/08/2017 | 15:58:00 [GMT +7] A  A

Đây là thông điệp được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đưa ra tại Lễ khai trương thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam do Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức tại Hà Nội, ngày 10/8.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN

Tại lễ khai trương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh thời gian tới, Bộ Tài chính cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan ở Trung ương và địa phương, tranh thủ sự hợp tác của quốc tế để hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về chứng khoán và thị trường chứng khoán phù hợp với thông lệ quốc tế, điều kiện phát triển kinh tế đất nước.

Thị trường chứng khoán phái sinh ra đời sẽ có tác động tích cực đến sự minh bạch, tính thị trường của thị trường chứng khoán cơ sở, qua đó sẽ làm tăng tính thanh khoản, tăng quy mô thị trường. Đồng thời, hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển ổn định, bền vững và là kênh huy động vốn an toàn, dài hạn phục vụ cho tăng trưởng kinh tế.

Thị trường chứng khoán phái sinh là thị trường có các sản phẩm phức tạp, chủ yếu giúp các nhà đầu tư phân tán và phòng ngừa rủi ro, đồng thời giúp đa dạng hóa sản phẩm đầu tư, qua đó làm tăng sự hấp dẫn và cơ hội của thị trường chứng khoán.

Chính vì vậy, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nghiên cứu, xây dựng thể chế để đưa thị trường chứng khoán phái sinh vào hoạt động trên nguyên tắc thận trọng, đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tiễn và theo thông lệ quốc tế tốt nhất.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu, trong thời gian tới, nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển của Việt Nam là rất lớn, vì vậy thị trường chứng khoán phải phát triển mạnh hơn nữa để đảm nhận vai trò cung cấp vốn trung và dài hạn chủ đạo cho nền kinh tế.

Các đại biểu nhấn nút khai trương Thị trường chứng khoán phái sinh. Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN

Hiện nay, quy mô của thị trường cổ phiếu và trái phiếu đã chiếm hơn 80% GDP; trong đó, thị trường cổ phiếu có quy mô bằng 57% GDP, thị trường trái phiếu có quy mô bằng 24% GDP; lượng vốn huy động qua thị trường chứng khoán đã chiếm khoảng 23% tổng vốn đầu tư của toàn xã hội.

Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng, sẽ còn rất nhiều việc phải làm và cần thời gian để thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam phát triển. Từ đó cùng thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu tạo thành thế kiềng ba chân bền vững cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ông Dũng cho biết, thời gian tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam vận hành thị trường chứng khoán phái sinh một cách thông suốt, an toàn, hiệu quả và tiếp tục nghiên cứu lộ trình phát triển sản phẩm và đưa vào giao dịch một cách thận trọng khi có đủ điều kiện.

Theo ông Dũng, Hợp đồng chỉ số VN30 là sản phẩm đầu tiên của thị trường chứng khoán phái sinh, thời gian tới sẽ tính toán thời điểm thích hợp để đưa sản phẩm Hợp đồng tương lai chỉ số HNX30 và Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ vào giao dịch.

Sau một thời gian hoạt động, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ cùng Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam tổng kết, đánh giá, báo cáo Bộ Tài chính cho phép phát triển tiếp các sản phẩm phái sinh khác theo định hướng của Thủ tướng Chính phủ.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ giám sát chặt chẽ thị trường chứng khoán phái sinh, nhất là giám sát giao dịch liên thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi giao dịch không công bằng trên thị trường chứng khoán phái sinh. Từ đó, bảo đảm thị trường chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán nói chung hoạt động một cách công khai, minh bạch, an toàn, đảm bảo lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, trong thời gian tới Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán phái sinh phát triển, từng bước đưa thị trường này trở thành kênh phân tán và phòng ngừa rủi ro cho mỗi thành phần kinh tế, đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán và thị trường kinh tế nói chung.

Văn Giáp (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu