Thứ Bảy, 11/01/2025 02:26 (GMT +7)

Văn học nghệ thuật thời kỳ đổi mới đề cao vai trò của văn, nghệ sỹ

Thứ 4, 06/01/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

“Văn học nghệ thuật thời kỳ đổi mới có nhiều thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn.” Đây là nhận định của Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nhà văn Đỗ Kim Cuông tại cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN về việc làm thế nào để văn học nghệ thuật phát triển đúng hướng, góp phần tích cực vào việc xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong tình hình mới.

– Xin Phó Chủ tịch cho biết, thực trạng, xu hướng sáng tác văn học nghệ thuật Việt Nam trong thời kỳ đổi mới?

Phó Chủ tịch Đỗ Kim Cuông: Quá trình đổi mới của đất nước mở ra những cơ hội, thuận lợi mới cùng những thách thức, khó khăn mới cho sự phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật. Yêu cầu mới của đất nước, nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn học, nghệ thuật của nhân dân thay đổi trong đó có những mặt cao hơn; sự thay đổi nhanh chóng, sâu sắc trong mọi mặt đời sống xã hội tác động trực tiếp đến chính quá trình sáng tạo, tiếp nhận văn học, nghệ thuật.

Trong những năm tháng đất nước đang nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách để ổn định kinh tế vĩ mô, lấy lại đà tăng trưởng để tiếp tục đổi mới toàn diện, các ngành, các cấp đã đổi thay, cố gắng từng bước thúc đẩy nhiều mặt hoạt động của văn học, nghệ thuật. Những cuộc vận động sáng tác, những giải thưởng, cuộc thi, liên hoan diễn ra ngày càng nhiều hơn, gắn với sự đầu tư của Nhà nước cùng hoạt động xã hội hóa.

Những hội thảo khoa học, các biện pháp quản lý, điều hành đã kịp thời được đưa ra để nhìn nhận, đánh giá và mở hướng phát triển, chấn chỉnh những sai sót, tiêu cực trong các hoạt động xuất bản, biểu diễn, trưng bày, lễ hội, truyền bá văn học, nghệ thuật cùng các giải pháp đặt hàng, khuyến khích mới…

Về xu hướng sáng tác, tôi cho rằng trước sự phát triển của đất nước trong quá trình đổi mới và hội nhập, xu hướng văn học nghệ thuật về cơ bản là nhiều văn nghệ sỹ vẫn gắn bó với đề tài cách mạng và kháng chiến. Chiến tranh đã lùi xa 40 năm nhưng mảng đề tài này luôn được giới văn nghệ sỹ quan tâm.

Trong Cuộc thi sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng cao về tư tưởng, nghệ thuật, phản ánh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước giai đoạn 1930-1975 vừa được tổ chức có hơn 1.400 tác phẩm gửi tới tham dự.

Riêng Hội Nhà văn Việt Nam đã có gần 100 tiểu thuyết, trường ca; các hội Mỹ thuật, Nghệ sỹ nhiếp ảnh, Nhạc sỹ, Sân khấu… đều có hàng trăm tác phẩm dự thi.

Bên cạnh đó, đề tài đổi mới hiện nay cũng là một trong những đề tài được giới văn nghệ sỹ quan tâm bởi sự phát triển của đất nước trên các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, kinh tế, văn hóa, xã hội; mặt khác qua công cuộc đổi mới này cũng bộc lộ những vấn đề mà xã hội quan tâm như trong Nghị quyết của Đảng đã cảnh báo về vấn đề suy thoái đạo đức, lối sống, một số vấn đề về tệ nạn xã hội.

Các tác giả điện ảnh, sân khấu, văn học đều đã đi sâu phân tích khía cạnh này để làm rõ hơn con người Việt Nam hiện nay ra sao, như thế nào, đồng thời tìm giải pháp thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI là văn học nghệ thuật phải góp phần vào việc xây dựng nhân cách, phẩm chất con người Việt Nam trong chiến lược đổi mới đất nước.

– Vậy thưa Phó chủ tịch, vai trò của văn học nghệ thuật và trách nhiệm của văn nghệ sỹ tham gia xây đắp những giá trị chung của con người Việt Nam trong thời kỳ mới như thế nào?

Phó Chủ tịch Đỗ Kim Cuông: Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là sự ra đời của Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước,” văn học nghệ thuật có sự phát triển rõ nét. Riêng trong 5 năm qua, nhờ sự quan tâm của các cấp bộ đảng, chính quyền trong cả nước, đội ngũ văn nghệ sỹ phát triển mạnh mẽ về số lượng, chất lượng sáng tác.

Cả nước hiện có trên 4,2 vạn văn nghệ sỹ đang hoạt động trong 63 hội văn học nghệ thuật các tỉnh, thành phố và 10 hội văn học nghệ thuật Trung ương. Hàng năm, đội ngũ này đã đóng góp số lượng tác phẩm không nhỏ cho đời sống văn học nghệ thuật nước nhà. Các ngày lễ lớn của đất nước những năm qua đều có vai trò, đóng góp tích cực của đội ngũ văn nghệ sỹ thông qua các chương trình nghệ thuật, biểu diễn, các sáng tác văn học.

Đánh giá chung của Thường trực đoàn chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật hiện nay đều cho rằng mặc dù trong điều kiện còn khó khăn nhưng đội ngũ văn nghệ sỹ của Việt Nam đang tiếp tục phát triển và có những sáng tác tạo dấu ấn lớn trong đời sống xã hội. Điển hình vừa qua Liên hiệp đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức cuộc thi sáng tác về đề tài cách mạng kháng chiến.

Đã có 80 tác phẩm được ghi nhận có chất lượng tốt và được trao giải. Trong đó, nhiều tác phẩm đạt giải thưởng lớn, có những dấu ấn nhất định về nội dung, nghệ thuật, nhìn nhận lại những vấn đề trong chiến tranh mà trước đây chúng ta chưa có điều kiện khai thác cụ thể, sâu sắc như hiện nay.

– Văn học nghệ thuật có vai trò quan trọng trong việc góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có những chính sách gì phát huy vai trò của văn học nghệ thuật trong tình hình mới, thưa Phó Chủ tịch?

Phó Chủ tịch Đỗ Kim Cuông: Trong vòng 15 năm qua, liên tục có những nghị quyết quan trọng được đưa ra như: Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII-năm 1998) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và mới nhất là Nghị quyết 33-NQ/TW (tháng 6/2014) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” ( Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Khóa XI). Riêng với văn học, nghệ thuật, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.”

Có thể khẳng định, Đảng, Nhà nước rất coi trọng công tác văn học nghệ thuật hiện nay. Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta có hẳn một nghị quyết về văn học nghệ thuật. Chính nghị quyết này khẳng định quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa văn nghệ trong quá trình đổi mới, phát triển; đồng thời đánh giá thực trạng, cảnh báo những xu hướng văn học nghệ thuật bị tác động bởi cơ chế thị trường hiện nay, đặc biệt là trong diễn biến hòa bình mà các thế lực phản động, thù địch luôn tìm mọi cách phá hoại sự nghiệp đổi mới, bảo vệ, xây dựng đất nước của chúng ta hiện nay.

Do đó, tôi cho rằng vai trò, vị trí của văn học nghệ thuật một lần nữa được quan tâm một cách sâu sắc, cụ thể hơn qua các nghị quyết và cơ chế, đường lối, chính sách. Có thể điểm ra một số cơ chế, chính sách có tác động lớn đối với văn học nghệ thuật của chúng ta trong 15 năm qua.

Khi văn học nghệ thuật đi vào cơ chế thị trường, Nghị quyết của Đảng cũng như chính quyền các cấp đã xác định đây là một lao động nghệ thuật đặc thù do đó có ứng xử khác các loại lao động bình thường khác; từ đó có cơ chế riêng cho văn học nghệ thuật. Trong đó trước hết tập trung củng cố các tổ chức, hệ thống văn học nghệ thuật từ Trung ương đến địa phương. Đây là động lực quan trọng của công tác tư tưởng văn hóa của Đảng, góp phần đưa các đường lối đổi mới của đất nước, chủ trương của Đảng, Nhà nước vào thực tiễn qua các tác phẩm văn học nghệ thuật.

Hơn nữa, việc Đảng và Nhà nước quyết định hỗ trợ văn học nghệ thuật, để kích thích, tạo điều kiện cho văn nghệ sỹ đầu tư có chiều sâu, trọng điểm vào các tác phẩm, chủ đề cần quan tâm như: Cách mạng-kháng chiến; thiếu nhi; viết về đồng bào các dân tộc thiểu số… Đặc biệt trong cuộc xâm lăng văn hóa hiện nay cũng như một số thế lực thù địch xâm phạm biên giới, biển đảo thì chủ đề biển đảo là một trong những chủ để rất được quan tâm.

Bên cạnh đó, chế độ nhuận bút cũng được thay đổi, cơ chế hỗ trợ lương cũng được cải thiện đối với văn nghệ sỹ. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành cơ chế chính sách về lương đối với văn nghệ sỹ. Trong đó có quy định hỗ trợ những văn nghệ sỹ tham gia cách mạng, hai cuộc kháng chiến, trên 70 tuổi, được giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh, nghệ sỹ nhân dân có hoàn cảnh khó khăn mỗi tháng trên 2 triệu đồng. Tuy số tiền ít ỏi nhưng đó là nguồn động viên, khích lệ đối với văn nghệ sỹ gắn bó với cách mạng, kháng chiến. Đây là điều rất được giới văn nghệ sỹ hoan nghênh, đánh giá cao.

Ngoài Trung ương, mỗi một tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh, Hải Phòng đến Hà Nội, các tỉnh, thành phố phía Bắc cũng như miền Trung-Tây Nguyên đều có những cách hỗ trợ văn nghệ sỹ. Cụ thể như họ đầu tư nguồn tiền để văn nghệ sỹ đi thực tế, tổ chức các trại sáng tác đặc biệt là quan tâm đến đội ngũ văn nghệ sỹ trẻ, nhất là đội ngũ văn nghệ sỹ trẻ con em đồng bào dân tộc để tạo nguồn tiếp nối cho các thế hệ văn nghệ sỹ đi trước.

– Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 (khóa XI) là điểm tựa cho văn hóa cũng như văn học nghệ thuật nước ta phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa. Vậy theo ông, để Nghị quyết đi vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật phát triển trong giai đoạn mới, chúng ta cần tiếp tục làm gì?

Phó Chủ tịch Đỗ Kim Cuông: Hiện nay, sự hình thành và phát triển của đời sống văn học nghệ thuật trong cơ chế thị trường khác với 20, 30, thậm chí khác xa 40 năm trước. Riêng với khó khăn của báo chí văn nghệ, từ nguyện vọng chung của cả giới, vừa qua Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam đã đề xuất với Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn tới đây, Đảng, Nhà nước sẽ xem xét hỗ trợ một phần cho báo chí văn nghệ.

Nếu có được sự hỗ trợ này, những tác phẩm văn chương, nghệ thuật sẽ đến được với công chúng đặc biệt là những học sinh trong các trường học, các vùng sâu, vùng xa, khó khăn.

Để thúc đẩy hoạt động sáng tác, một vấn đề nữa cần được quan tâm, đó là cơ sở vật chất. Hiện nay cơ sở vật chất của hầu hết các hội văn học nghệ thuật từ Trung ương tới các địa phương đều rất kém. Là cơ quan hành chính, quản lý về văn học nghệ thuật tại địa phương nhưng việc đầu tư, hỗ trợ cho các hội này chưa được nhiều cũng chưa bền vững.

Mới đây, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội thảo về xây dựng con người Việt Nam đáp ứng với phát triển bền vững đất nước. Hội thảo là tiếng nói của 10 Hội văn học nghệ thuật thành viên hướng tới vấn đề là với tình hình phát triển hiện nay của xã hội, nhất là trong giai đoạn đổi mới đất nước, văn học nghệ thuật phải làm gì để góp phần xây dựng con người. Đội ngũ văn nghệ sỹ đang đi tìm câu trả lời cho vấn đề này.

Mỗi một hội chuyên ngành trung ương, địa phương đều có cách riêng, phù hợp với những đặc thù của địa phương; đặc biệt mỗi một văn nghệ sỹ với sự năng động, sáng tạo riêng phải đi tìm cho mình lời giải đáp để thông qua các tác phẩm văn học nghệ thuật góp phần xây dựng con người Việt Nam trong phát triển bền vững đất nước.

Hy vọng rằng với một nghị quyết đúng, mối quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước về cơ chế, chính sách từ Trung ương đến địa phương, chắc chắn thời gian tới văn học nghệ thuật của chúng ta sẽ có mùa gặt mới.

– Xin cảm trân trọng ơn Phó chủ tịch!

MỸ BÌNH (TTXVN/VIETNAM )

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu