Thứ Bảy, 11/01/2025 14:07 (GMT +7)

VFA không đề xuất thu mua tạm trữ gạo trong vụ Đông Xuân 2015-2016

Thứ 4, 09/03/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Do giá lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được dự báo tiếp tục tăng, do đó vụ Đông Xuân năm nay, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) sẽ không đề xuất việc thu mua tạm trữ lúa gạo như thường niên.

Theo ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ nhiều năm nay, trước khi vào chính vụ Đông Xuân, thu hoạch rộ như thời điểm đầu tháng Ba này giá lúa gạo trong nước thường xuống thấp.

Theo cơ chế của Chính phủ những lúc như vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì và Bộ ngành liên quan cùng VFA thường kiến nghị Chính phủ cho phép thu mua tạm trữ lúa gạo với mức giá nhất định để đảm bảo lợi ích cho nông dân.

Chính sách này nhằm hỗ trợ gián tiếp nông dân, tập trung tiêu thụ kịp thời lượng lúa gạo hàng hóa với giá tốt hơn thông qua các doanh nghiệp hội viên.

Tuy nhiên, vụ Đông Xuân năm nay, Hiệp hội Lương thực Việt Nam sẽ không đề xuất việc thu mua tạm trữ lúa gạo như thường niên, do giá lúa hiện nay đã tốt, có lợi cho nông dân và nhiều khả năng còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Với mức giá như hiện nay, việc có chủ trương mua tạm trữ hầu như không cần thiết.

Lý giải nguyên nhân khiến giá lúa gạo lại tăng ngay trong thời điểm chính vụ Đông Xuân, ông Huỳnh Thế Năng cho rằng, vụ Đông Xuân năm nay năng suất, sản lượng lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giảm đáng kể do nhiều diện tích lúa bị ảnh hưởng nghiêm trọng của xâm nhập mặn và El Nino.

Bên cạnh đó, ngoài việc cần mua thêm để thực hiện hợp đồng còn lại từ năm ngoái chuyển qua, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, yếu tố cầu tăng từ xuất khẩu đường mậu biên cũng tác động lớn đến tình hình giá cả lúa gạo trong nước.

“Tuy nhiên, chúng ta cũng lưu ý rằng yếu tố tâm lý hình thành từ các thông tin khá dồn dập, lặp đi lặp lại của các phương tiện thông tin đại chúng xung quanh diễn biến hạn và xâm nhập mặn cũng có phần đóng góp cho xu thế tăng giá hiện nay,” ông Năng cho biết thêm.

Nói thêm về vấn đề này”, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lương thực Thịnh Phát (Bến Tre) cho rằng, đứng về mặt tâm lý, ai cũng nghĩ như vậy nên khi vào vụ thu hoạch, giá lúa gạo đã được nâng cao hơn, thậm chí có cả tâm lý đầu cơ.

Hiện giá gạo nguyên liệu và thành phẩm IR50404 tiếp tục có xu hướng tăng do nguồn gạo ít, thậm chí nhiều nơi thương lái thu mua loại gạo này khá khó khăn.

Việc giá lúa gạo đang tăng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long rõ ràng có lợi cho nông dân. Tuy nhiên, dưới góc độ của một doanh nghiệp, ông Lâm Anh Tuấn cho rằng, mức giá gạo hiện nay đã vượt qua mức giá kỳ vọng của doanh nghiệp, không tốt cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Theo ông Tuấn, với mức giá này các doanh nghiệp trong nước không dám thu mua, do giá thành của doanh nghiệp đã là 380 USD/tấn, trong khi giá chào bán của Thái Lan chỉ có 360 USD/tấn. Trên thực tế, thương hiệu gạo Việt Nam còn khá non yếu.

Đối với các hợp đồng thương mại, với một loại gạo cùng phẩm cấp, gạo Việt Nam sẽ khó có thể bán với giá thành cao hơn so với gạo Thái Lan.

Về phía người nông dân, anh Huỳnh Văn Sơn, ở ấp 1, xã Tân Đông, Thạnh Hóa, Long An cho biết, do giá lúa tăng nên năm nay lúa thu hoạch bao nhiêu đều được thu mua hết và nông dân không phải chịu cảnh bị thương lái ép giá. Tuy nhiên, đối với một số diện tích lúa bị nhiễm mặn nghiêm trọng khiến lúa bị lép nhiều mới bị thương lái từ chối thu mua.

Đến thời điểm hiện nay, Vụ Đông Xuân 2015-2016, cả nước đã thu hoạch 700.000ha trong tổng 1,5 triệu ha lúa xuống giống, với năng suất 6,8 tấn/ha.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, lũy kế xuất khẩu gạo của cả nước từ ngày 1/1 đến ngày 29/2/2016 đạt trên 856.000 tấn, trị giá FOB 347,834 triệu USD, trị giá CIF 371,695 triệu USD./.

HỨA CHUNG (TTXVN/VIETNAM )

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu