Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 20/01/2025 09:52 (GMT +7)
Vì sao gạo Việt ngon nhưng giá vẫn “bèo“?
Thứ 2, 18/11/2019 | 15:31:00 [GMT +7] A A
VOV.VN – Theo GS Võ Tòng Xuân, lý do khiến gạo Việt mất giá chưa truy xuất nguồn gốc, chưa xây dựng được thương hiệu…
Sự kiện gạo ST25 của Việt Nam đạt giải quán quân cuộc thi “Gạo ngon thế giới” mới đây khiến không ít người tự hào và hãnh diện. Thế nhưng, sau sự kiện đặc biệt này, nhiều người đặt ra thắc mắc, tại sao ngon và “có tiếng” trong các cuộc thi thế giới nhưng giá gạo Việt Nam vẫn thấp và “mất giá” so với các nước trong khu vực?
Để giải đáp thắc mắc này, VTC News đặt câu hỏi với Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân – chuyên gia nông nghiệp hàng đầu Việt Nam:
Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân (Ảnh: Zing)
PV: Vì sao nhiều lần đoạt giải ở các cuộc thi quốc tế nhưng gạo Việt vẫn không được giá, thưa ông?
GS Võ Tòng Xuân: Gạo buôn bán trong thị trường thế giới thuộc hai nhóm chính: gạo đặc sản (lúa mùa, thơm dẻo) và gạo trắng (lúa ngắn ngày, năng suát cao hơn). Trước đây, Việt Nam xuất chủ yếu gạo trắng, giá luôn luôn thấp hơn gạo đồng cấp của Thái Lan từ 30-50 USD/tấn tương đương với một phí rủi ro mà tất cả thương lái gạo quốc tế đặt ra khi mua gạo từ các công ty quốc doanh, trừ hao gạo bên trong có mọt hoặc ẩm ướt.
Sau này nhiều tư nhân tham gia xuất khẩu, chế biến đúng chuẩn loại gạo hợp đồng nên giá gần tiệm cận với giá Thái Lan. Nhìn chung thương lái đều biết gạo Việt Nam không truy xuất nguồn gốc được nên phải trừ hao phí rủi ro nguồn gốc.
PV: Chất lượng tốt, giá gạo xuất khẩu rất thấp so với các quốc gia, nhưng con đường xuất khẩu gạo ra thế giới của Việt Nam vẫn khó khăn, có phải vì chúng ta chưa xây dựng được thương hiệu gạo Việt không?
GS Võ Tòng Xuân: Chúng ta trồng rất nhiều giống lúa, có giống trở nên nổi tiếng nhờ được thương lái hỏi mua nhiều như giống Jasmine, IR50404. Qua thời gian, các cơ quan khoa học tiếp tục lai tạo thêm giống mới cho phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, con đường một giống được công nhận và được xuất khẩu ra thế giới thì rất phức tạp vì chính sách nhà nước chưa thông thoáng, nhà tạo giống phải tốn nhiều tiền, đương đầu với nhiều lợi ích nhóm, làm nản lòng nhiều doanh nghiệp.
PV: Rõ ràng, ngay cả thị trường trong nước vẫn chưa mặn mà với những loại gạo Việt được thế giới đánh giá cao, theo ông, có phải chúng ta đang tự thua chính mình trên “sân nhà”?
GS Võ Tòng Xuân: Thực ra nhiều công ty lương thực ở các tỉnh đang kinh doanh gạo dưới thương hiệu riêng của họ, những loại gạo này có thể do công ty hợp đồng trực tiếp với nông dân trồng một giống lúa mà công ty ưa chuộng, hoặc qua trung gian của thương lái thu gom lúa của nông dân tự sản xuất, hoặc họ nhập gạo của Campuchia và Thái Lan về đóng gói.
Trong thực tế, các doanh nghiệp luôn luôn muốn tham khảo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giống lúa cần tập trung sản xuất cho thị trường, nhưng Bộ thì quá dè dặt, phần lớn khuyến cáo giống cũ được công nhận những năm trước qua thủ tục rườm rà và rất tốn kém cho tác giả lai tạo giống mới.
Bộ Nông nghiệp chưa dám chủ trương – với công tâm khoa học – tạo giống lúa vừa đạt tiêu chuẩn quốc tế vừa đạt tiêu chuẩn đặc thù của Việt Nam để các doanh nghiệp sản xuất gạo xuất khẩu mang thương hiệu của họ.
Ở Mỹ, Thái Lan, Campuchia… cùng một giống lúa mà nhà nước đã công nhận và hỗ trợ xúc tiến thương mại, các công ty tự lo sản xuất lúa nguyên liệu đặc thù của mình bằng cách đặt hàng cho nông dân sản xuất theo quy trình của mình, sau đó chế biến, đóng gói mang nhãn hiệu của họ.
PV: Câu chuyện giá gạo được nhắc và nói đến rất nhiều lần, nhưng vài năm qua cũng chưa có bước tiến triển nào rõ rệt, trách nhiệm này thuộc về ai, thưa ông?
GS Võ Tòng Xuân: Theo tôi, trách nhiệm là của nhà nước, trực tiếp là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương.
Hiện nay, công tác xúc tiến thương mại của nhà nước ta yếu nên nhiều công ty phải tự lo lấy mình, với những hiệu quả khác nhau. Chúng ta cần nhà nước cải tiến công tác này một cách công tâm, minh bạch, tránh các trường hợp “nhân dịp hùn tiền được vào đoàn để đi chơi, thay vì đi tìm thị trường”.
PV: Là một đất nước nông nghiệp, gạo được đánh giá ngon nhất thế giới, nhưng giá trị xuất khẩu không tương xứng, vậy làm thế nào để tăng giá trị hạt gạo Việt, thưa ông?
GS Võ Tòng Xuân: Được đánh giá ngon nhất, gạo Việt Nam cần phải được sản xuất đúng quy trình kỹ thuật, nông dân không được tự ý thay đổi theo kinh nghiệm lỗi thời của mình.
Một kinh nghiệm cần phải được đổi mới ngay là việc ghiền phân đạm hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Nông dân càng dùng nhiều phân đạm thì càng tạo điều kiện thích hợp cho sâu bệnh đến ăn và phát triển thành dịch hại.
PV: Ông có “kế sách” gì giúp gạo Việt đứng vững và phát triển hơn trong tương lai?
GS Võ Tòng Xuân: Khi chúng ta đã có giống lúa ngon, bước kế tiếp là Nhà nước phải có kế hoạch phát triển giống lúa đó một cách tích cực, dẹp bỏ lợi ích nhóm; cần có nhà doanh nghiệp dùng gạo này đi xúc tiến thương mại, tìm khách hàng, thuyết phục khách hàng hợp đồng đặt hàng nhập khẩu; trở về hợp đồng với nông dân/hợp tác xã sản xuất nguyên liệu cho mình chế biến theo tiêu chuẩn cao nhất.
Theo tôi, vai trò chỉ đạo và hỗ trợ không vụ lợi cá nhân của ban ngành nhà nước sẽ quyết định sự thành bại của công cuộc này.
Theo Thy Huệ/VTCNews
https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/vi-sao-gao-viet-ngon-nhung-gia-van-beo-979693.vov
Ý kiến ()